Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Bộ luật Dân sự là đánh dấu bước phát triển mới, khẳng định một diện mạo mới không chỉ của pháp luật dân sự mà của cả hệ thống pháp luật Việt Nam, với việc bao quát được tương đối đầy đủ phạm vi các quan hệ khi xác định phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 là “Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về các quyền tự do, bình đẳng về nhân thân và tài sản cá nhân, tổ chức và có cơ chế bảo đảm, bảo vệ thích hợp; chế độ sở hữu, quy định các hình thức sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của các chủ thể đối với tài sản của người khác, trong đó có quyền sử dụng đất; đề cao nguyên tắc tự do hợp đồng, bảo đảm quyền kinh doanh của các chủ thể; bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự.
Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do giao dịch, Nhà nước đã từng bước hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các quan hệ giao dịch dân sự, bảo đảm các quan hệ dân sự này được hình thành một cách dễ dàng, phát triển ổn định.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đó là một số lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật dân sự chưa có văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời hoặc chưa cụ thể, khó thực thi trên thực tế như các quy định về xác định lại giới tính, hộ gia đình, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho nhiều người.
Hệ thống văn bản hướng dẫn còn nhiều “tầng lớp”, “cấp độ” khác nhau. Một số quy định hướng dẫn không phản ánh kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Việc công nhận, thực hiện quyền dân sự về thân nhân, tài sản, sở hữu và giao dịch còn nhiều bất cập như hệ thống đăng ký sở hữu, quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch và công chứng giao dịch còn chưa thực sự liên thông, làm giảm tính công khai, minh bạch trong giao dịch...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống luật, tác động tới các giao lưu dân sự trong xã hội.
Tuy vậy, Bộ luật này cũng còn nhiều bất cập như chưa xác định rõ mối quan hệ với các luật khác điều chỉnh quan hệ dân sự, vẫn còn các quy định mang nặng tính hành chính, nhiều quy định chưa tương thích với các điều ước quốc tế...
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề lớn. Đó là, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những kết quả, hạn chế của Bộ luật cũng như xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập. Xác định rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005, nhất là trong giai đoạn lịch sử lập Hiến, lập pháp của đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới theo các quan điểm dân chủ, dân sinh, dân quyền thể hiện đậm nét trong Cương lĩnh xây dựng đất nước.
Việc sửa đổi lần này phải thể hiện được hai quan điểm rất quan trọng. Thứ nhất, Bộ luật phải thực sự trở thành nền tảng pháp lý của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có chủ thể bình đẳng, tự thỏa thuận, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, Bộ luật phải thực sự trở thành Bộ luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo được cú hích đáng kể cho sự phát triển của các quan hệ thị trường, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể tham gia các hoạt động giao lưu dân sự, hạn chế thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào giao lưu dân sự.
Lê Sơn