Văn bản pháp luật phải khả thi Tin có hình

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở các Bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.

Chính phủ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm 2013. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2013 và thảo luận về một số dự án luật.

Báo cáo tại phiên họp tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã thực hiện tốt chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, đạt 100% số các dự án trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các Bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Trung ương đã xác định việc hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; cho rằng có luật, có quyết tâm nhưng không được cụ thể hóa thành cơ chế, thể chế thì quyết tâm, chính sách sẽ không thể đi vào cuộc sống. Cùng với vấn đề tồn tại về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, chất lượng văn bản ban hành cũng là một vấn đề lớn cần được đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng nhắc nhở, bên cạnh lưu ý đến yếu tố về tiến độ, các Bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.

Đồng thời, để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản, tiến hành quy trình thẩm định, thẩm tra chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời phân công đủ nhân lực để thực hiện công tác xây dựng văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên tinh thần tiết kiệm.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật Đầu tư công; dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ chủ trì soạn thảo các dự án Luật tiếp tục rà soát, nghiên cứu; tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn thiện việc xây dựng các dự án Luật này.

 

Nguyễn Hoàng

Nguồn: chinhphu.vn