Triển khai Quyết định về Quy chế phát ngôn Tin có hình

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/8, Bộ TTTT tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kèm theo Quyết định này.

 

Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn trao đổi với các nhà báo. Ảnh: VGP/Thùy Trang

Quy chế phát ngôn và cấp thông tin cho báo chí ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4/5/2013 (QĐ25) có nhiều điểm mới so với Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2007 theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 (QĐ77).

Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn cho biết một số điểm mới nổi bật của QĐ25 chủ yếu tập trung vào quy định, quy chế cho người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo QĐ25, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước gồm 3 người có thể phát ngôn.

Thứ nhất: Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước là người phát ngôn (ở cấp Bộ là Bộ trưởng; ở địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố).

Thứ hai: Người phát ngôn là người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên.

Thứ ba: Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể uỷ quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (gọi là người được ủy quyền phát ngôn), hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Về việc cung cấp thông tin từ cá nhân thuộc cơ quan hành chính Nhà nước, QĐ77 chỉ quy định các cá nhân không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn. Còn theo QĐ25, tại Khoản 4 Điều 2 quy định: “Các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật, nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”.

QĐ25 có điểm hoàn toàn mới so với QĐ77 về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể: Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác.

QĐ25 có bổ sung quy định về trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp cho báo chí.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, thực tế vẫn còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề nhận thức của cá nhân chưa đầy đủ, đôi khi có người chỉ nhận thức từ một văn bản đơn lẻ, không nhìn tổng thể về quy định pháp luật của vấn đề. Bên cạnh đó, Điều 8 của Luật Báo chí cũng có quy định, tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình cung cấp.

Theo QĐ25, cơ quan báo chí và nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung, thông tin do người phát ngôn hoặc người được uỷ quyền phát ngôn cung cấp và ghi rõ họ tên, cơ quan hành chính Nhà nước của người phát ngôn.

Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được uỷ quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.

 

 

Thùy Trang

Nguồn: chinhphu.vn