Không có việc “nể nang” trong thẩm định VBQPPL Tin có hình

(Chinhphu.vn) – Sáng nay (20/8), UBTVQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường với các nội dung như: Tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chất lượng một số văn bản còn hạn chế; có hay không việc "nể nang" trong thẩm định văn bản pháp luật...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của UBTVQH, sáng 20/8. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và lộ trình, giải pháp của Bộ nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật, dẫn đến tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, thời gian qua, việc khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng này tăng với tổng số văn bản nợ đọng là 107, trong đó có hơn 50 nghị định hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân "nợ đọng" văn bản thì có nhiều, nhưng về chủ quan, sự chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt; việc kiện toàn củng cố vụ pháp chế của một số bộ ngành chưa được nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ; quy trình xem xét còn kéo dài...

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong nguyên nhân chủ quan, ngoài yếu tố đội ngũ cán bộ còn có vai trò trực tiếp của người đứng đầu. "Ở bộ nào, ngành nào, thời nào mà người đứng đầu quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thì việc ban hành văn bản nhanh. Ngoài ra, chúng ta chưa quen, chưa nghiêm túc lường trước được khi luật ra cần hướng dẫn điều nào và  có phương án hướng dẫn ngay dù chưa cần chi tiết", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn: Có hay không tình trạng tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và việc một số văn bản của các bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình. Còn đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi liệu có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật phục vụ lợi ích nhóm?

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc… "Với quy trình chặt chẽ như vậy thì có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, tất nhiên không loại trừ khả năng sơ hở", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Về công tác thẩm định VBQPPL, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi liệu có tình trạng nể nang khi phát hiện văn bản vi phạm nhưng không kiến nghị những hình thức xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh; thẩm định nhưng để lọt những văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định không có tình trạng nể nang. Thực tế còn có những văn bản gây bức xúc, tuy nhiên, số lượng này chiếm rất ít trong tổng số văn bản được thẩm định. Riêng về Thông tư và Thông tư liên tịch hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ nên sắp tới Bộ sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.

 

Toàn Thắng

Nguồn: chinhphu.vn