Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ giảm nghèo 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở miền núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung đang được các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
 
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc ngày 24/9, các địa phương đã kiến nghị tới Chính phủ sửa đổi các nghị định, quyết định liên quan, để Chương trình được thực hiện hiệu quả hơn ở khu vực còn rất nhiều khó khăn này.
Ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND và Sở NNPTNT các tỉnh, huyện trên địa bàn đã làm rõ tình hình xây dựng nông thôn mới ở miền núi phía Bắc còn chậm và gặp nhiều trở ngại. Có những khó khăn như: Địa hình chia cắt, phức tạp khiến suất đầu tư hạ tầng rất cao; bà con dân tộc còn chưa nhận thức được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên nhìn chung, bà con dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc đều ghi nhận xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp to lớn và mong đợi thay đổi cuộc sống từ Chương trình này.
Nguyên Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ, cố vấn Ban Chỉ đạo, lưu ý: “Làm nông thôn mới mà chỉ cứng nhắc theo các tiêu chí, không tính đến sức mạnh và bề dày văn hóa của các dân tộc anh em thì Chương trình sẽ không thành công”. Đồng thời ông cho rằng không giải quyết được căn cơ việc giảm nghèo thì sẽ không thể làm được nông thôn mới.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, phải làm cho nông dân, bà con dân tộc có thu nhập bằng tiền cao hơn trước để vừa có vốn sản xuất, vừa có tiền chi trả sinh hoạt hằng ngày, chứ không còn là làm ra nhiều lúa gạo, ngô, sắn như trước nữa.
Do vậy, ý kiến các địa phương cũng như lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đều cho rằng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn bà con dân tộc, nông dân tập trung sản xuất, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất và tổ chức mối liên kết nông dân-doanh nghiệp bền vững để thay đổi hình thức canh tác cũ, tạo ra thu nhập cao, ổn định cho bà con.
Để làm được, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong các loại quy hoạch nông thôn mới thì việc quan tâm đầu tiên là quy hoạch sản xuất, phù hợp với nhu cầu của thị trường vùng, trong nước và thị trường thế giới. Quy hoạch sản xuất tốt thì mới chọn được cây trồng, vật nuôi lợi thế, tránh tình trạng được mùa mất giá, cùng với xây dựng mối “liên kết 4 nhà” sẽ tạo ra thu nhập cao, ổn định cho người dân, tác động hiệu quả trở lại việc xây dựng nông thôn mới.
“Quy hoạch sản xuất rất khó, nhưng khó mấy vẫn phải làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần tính đến cả quy hoạch dân cư, đưa bà con dân tộc về sống tại từng điểm để tạo thuận lợi cho xây dựng đường, điện, trường, trạm.
Bộ NNPTNT cũng cho biết sẽ xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc (loại Chương trình mục tiêu) và Chương trình tổng thể sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho  khu vực.
Đối với tăng nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới, Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị từ phía địa phương, đồng thời cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xây dựng một khoản ngân sách riêng cho Chương trình để tạo ra cú hích trong xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống văn hóa của nông dân.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao các bộ, ngành liên quan (chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu để hỗ trợ hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chuỗi sản xuất nông nghiệp để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới của khu vực miền núi phía Bắc.
Mặc dù có khó khăn chung nhưng vẫn có địa phương ở miền núi phía Bắc làm tốt việc xây dựng nông thôn mới. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước nếu cán bộ, Đảng ủy, chính quyền địa phương nào tập trung quan tâm, chỉ đạo sát sao công việc thì địa phương đó sẽ thành công.
 
 
Thành Chung
Nguồn: chinhphu.vn