Một số góp ý về Dự thảo Luật Đấu thầu 
(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Đấu thầu, sẽ được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, xem xét, thảo luận, thông qua. Có thể thấy Dự thảo Luật được soạn thảo kỹ và có chất lưọng khá tốt, đáp ứng cơ bản những yêu cầu hình thức và nội dung của một văn bản luật loại này.
Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện Luật, người viết cho rằng cần chú ý một số điểm.
Thứ nhất, về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, nếu nghiên cứu kỹ, có thể thấy Luật đã bao quát hầu hết các đối tượng cần áp dụng nguyên tắc đấu thầu trong thực hiện các hoạt động đầu tư và mua sắm có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, Điều 1 của Luật chưa đề cập trực tiếp đến những hoạt động đầu tư và mua sắm liên quan đến vốn ODA có sử dụng NSNN. Vì vậy, cần bổ sung thêm các dự án ODA có vốn đối ứng của Việt Nam (ví dụ, từ 11% trở lên) vào diện cần đấu thầu triển khai để bảo đảm sự công bằng và hiệu quả đầu tư xã hội như mọi nguồn vốn khác.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, toàn bộ điều kiện sử dụng, mua sắm và thực hiện đầu tư từ nguồn ODA đều do nhà cung cấp quyết định, khiến chi phí tăng hơn so với tổ chức đấu thầu, gây bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy, việc đưa ra quy định tổ chức đấu thầu triển khai các dự án ODA có mức sàn tỷ lệ vốn NSNN tham gia dự án là cần thiết cả về kinh tế, lẫn pháp lý; khẳng định nhận thức mới và yêu cầu mới của Việt Nam trong bối cảnh mới đối với các nguồn vốn đầu tư xã hội, mà ODA là một bộ phận hợp thành.
Mặt khác, các dự án ODA thường có quy mô lớn và trong thời gian tới, cùng với quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, điều kiện cấp ODA sẽ đậm dần tính chất thuơng mại, trong đó có yêu cầu tỷ lệ vốn đối ứng của Việt Nam ngày càng cao hơn. Do đó, khả năng vốn NSNN tham gia các dự án ODA sẽ ngày càng lớn, vượt mức 30% của dự án trên 500 tỷ đồng như quy định trong các tiết b và c của khoản 1 Điều 1 yêu cầu phải tổ chức đấu thầu.
Thứ hai, về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, Luật cần cụ thể hoá sâu hơn và chặt chẽ hơn đối tượng và mức độ ký hợp đồng phụ theo huớng ưu tiên cho các nhà thầu phụ trong nước thực hiện các dự án mà trong nước có khả năng đáp ứng về nhân lực, vật tư và công nghệ; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng các nhà thầu nước ngoài đưa vào Việt Nam cả các lao động giản đơn và vật tư mà Việt Nam có khả năng cung cấp cạnh tranh.
Thứ ba, về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Luật cần xác định rõ hơn nội dung thế nào là sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu... Đồng thời, cần có những quy định bổ sung nhằm ngăn chặn sự lạm dụng thắng thầu không lành mạnh (như bỏ giá thấp rồi tính tăng giá phát sinh) cũng như cần có danh mục cấm những thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh khác…
Thứ tư, về quy định chỉ định thầu, Luật cần bổ sung quy định bảo đảm ngăn chận hiện tuợng xé nhỏ gói thầu để lạm dụng chỉ định thầu, “trốn thầu”, như thực tế cho thấy còn xảy ra trong thời gian qua.
Thứ năm, về quản lý Nhà nước về đấu thầu, cần bổ sung nội dung Nhà nước có trách nhiệm và có quyền thực hiện các biện pháp hành chính và tài chính cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng các dự án, công trình thực hiện qua đấu thầu, trong đó có biện pháp đặt cọc bảo hành chất lượng công trình, dự án…
Đồng thời, cũng cần bổ sung những quy định quản lý Nhà nước cụ thể liên quan đến tăng cường thông tin, giám sát và phản biện xã hội về các dự án đấu thầu, nhằm tăng tính minh bạch, dân chủ và hiệu quả dự án.
Hy vọng, sau hoàn thiện, Dự thảo Luật Đấu thầu sẽ góp phần trực tiếp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội và sử dụng vốn Nhà nước, góp phần tích cực vào quá trình tái cấu trúc tổng thể và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.
 
 
 
Minh Phong-Hồng Hà
Nguồn: chinhphu.vn