Cần thực hiện bài bản Nghị quyết về đầu tư nước ngoài Tin có hình

(Chinhphu.vn) - Để sớm có được một môi trường đầu tư hoàn chỉnh, có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới hiện nay, chúng ta cần tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ.

Ảnh minh họa

10 tháng qua, trên cả nước đã có 1.050 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,1 tỷ USD, cho thấy sự phục hồi của dòng vốn này kể từ sau năm 2009 đến nay.

Nhưng để thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả dòng vốn ĐTNN thì còn nhiều việc phải làm đã được nêu tại Nghị quyết 103 của Chính phủ.

Khung khổ pháp luật đã có...

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Nghị quyết 103 đã đưa ra được các nội dung cụ thể về hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách hiện hành liên quan đến đầu tư, loại bỏ các qui định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; nâng cao chất lượng thẩm tra,cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cùng với các nội dung đó là các giải pháp thực hiện như: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, trong đó chỉ rõ việc rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án công nghệ cao cũng được quan tâm.
Theo đánh giá chung, Nghị quyết 103 đã "thu gọn lại các vấn đề nóng" về ĐTNN cần xử lý vào 60 đề án, giao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện với thời hạn phải hoàn thành năm 2014, trong đó có trên 50% đề án phải hoàn thành trong quí IV/2013.
Thời hạn thực hiện ngắn như vậy thể hiện quyết tâm đổi mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp về ĐTNN của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nhanh chóng nâng cao hiệu quả thu hút ĐTNN, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ĐTNN phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Nghị quyết 103, có nhiều dự án luật quan trọng cần sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, xây dựng Luật Khuyến khích và Phát triển công nghiệp hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số Nghị định của Chính phủ trong một số lĩnh vực và thực hiện nhiều đề án cụ thể như: Xây dựng đề án thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP; rà soát, hoàn thiện chính sách giải phóng mặt bằng đất đai đảm bảo dự án triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, qui định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, nhà đầu tư…
Từ góc nhìn mong đợi như vậy đối với Nghị quyết 103 của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vấn đề còn lại là trách nhiệm triển khai Nghị quyết 103 của các bộ, ngành, địa phương. Với khối lượng công việc đồ sộ như nêu trên, lại cần hoàn thành đồng bộ trong thời gian ngắn, cho thấy sức ép về công việc với các cơ quan chức năng, khi ngoài lĩnh vực ĐTNN, các bộ ngành, địa phương còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng thuộc các lĩnh vực khác.

Chính vì vậy, cần có cách tổ chức thực hiện ráo riết, quyết liệt, bài bản Nghị quyết 103.

Đề xuất việc cần làm

Các gợi ý là: Tập trung phổ biến nội dung, yêu cầu cần thực hiện Nghị quyết 103 tới tất cả cán bộ, công chức các cấp liên quan đến ĐTNN, đặc biệt đối với số cán bộ, công chức được giao tham gia triển khai các đề án tại Nghị quyết 103, khắc phục tình trạng người thực thi công vụ không nắm chắc nội dung, yêu cầu công việc. Từng đơn vị được giao triển khai đề án tại Nghị quyết 103 cần đánh giá nhanh lại kinh nghiệm, kết quả đã thực hiện các đề án trước kia để không thực hiện chậm hoặc không hoàn thành các đề án đã được giao (như việc thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý ĐTNN trong thời gian tới).
Để khắc phục tình trạng chậm triển khai các đề án được giao của các đơn vị đầu mối, do thiếu phối hợp, thiếu thông tin trong giải quyết các vấn đề liên ngành, xem xét việc thành lập một tổ công tác liên ngành về thực thi Nghị quyết 103 (như kinh nghiệm đã triển khai Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, hiện nay đã bước sang giai đoạn 5).
Nhiệm vụ chủ yếu của tổ công tác liên ngành này là rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Nghị quyết 103, và tổ công tác cũng có thể là nơi trao đổi cụ thể, nhanh các vấn đề liên ngành mà một đơn vị đầu mối triển khai đề án cần xin ý kiến các bộ, ngành khác. Tổ công tác này cũng cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 103 báo cáo Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ định kì, cũng như các vấn đề cần thiết phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 103 mới sớm có được một môi trường đầu tư hoàn chỉnh, có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về ĐTNN trong khu vực và trên thế giới hiện nay, thể hiện “lời nói đi đôi với việc làm“, giữa ban hành chính sách và thực thi chính sách, vốn cũng đang là một trong những yếu kém từng được nhắc đến trong thời gian qua. 
Việc thực thi và nâng cao hiệu lực thực thi Nghị quyết 103 có tầm quan trọng đặc biệt là vậy. Đã có định hướng, chính sách đúng chưa đủ, điều quan trọng là vẫn cần trách nhiệm, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi đúng hạn với chất lượng cao các chính sách đã được ban hành.
 
 
 
TS. Phan Hữu Thắng
(Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)