Chuyên gia quốc tế khuyến nghị tái cơ cấu DN Tin có hình
(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà  nước (DNNN) là yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh.
Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam. Ảnh VGP/Huy Thắng
 
Tại diễn đàn VDPF 2013 diễn ra sáng nay (5/12), các chuyên gia quốc tế đã đưa ra những khuyến nghị điều hành kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, trong thời gian tới NHNN Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn các tác động tiêu cực tới chỉ số lạm phát.
Theo ông Kalra, nếu để lạm phát quay trở lại sẽ làm giảm niềm tin vào quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Dù mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng, nhưng vẫn chưa “đủ dày” để đối phó tốt với những cú sốc lớn từ bên ngoài.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, cũng cần có sự phối hợp của chính sách tài khóa. Theo đó, về thu ngân sách, Việt Nam cần cẩn trọng kiềm chế giảm thuế thêm nữa, đồng thời yêu cầu các DNNN làm ăn có lãi trả cổ tức và tăng cường công tác quản lý thuế; mở rộng cơ sở thu.

Lĩnh vực đầu tư công cần giảm xuống mức bền vững, có thứ tự ưu tiên; chi cho an sinh xã hội cần được duy trì. Đặc biệt, ngân sách phải có dư địa để trả nợ dự phòng liên quan tới các cải cách cơ cấu.
Ông Sanjay Kalra cũng  cho rằng việc cải cách hệ thống ngân hàng phải là một ưu tiên hàng đầu, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản, nợ xấu… để tạo ra môi trường mà trong đó, các ngân hàng là trung gian hiệu quả cho tiết kiệm và đầu tư quốc gia.

Cần tăng tốc tái cơ cấu
Nhấn mạnh vấn đề tái cơ cấu, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị: Tái cơ cấu DNNN và ngân hàng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, việc ngập ngừng công khai minh bạch dễ gây xói mòn niềm tin và không gia tăng được năng lực cạnh tranh.
Theo bà Kwakwa, tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị doanh nghiệp trong cả 2 khu vực nói trên sẽ nhanh chóng mang lại kết quả thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hóa, đồng thời tạo điều kiện để khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn nữa trong cung cấp dịch vụ xã hội.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Về vấn đề nhân lực, lãnh đạo WB hoan nghênh việc bên cạnh duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai cải cách giáo dục. Nhưng theo bà Victoria Kwakwa, Việt Nam vẫn cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động và liên kết đào tạo nghề, vì đây cũng là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại diện WB cũng khuyến nghị việc nhanh chóng khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường nhằm đảm bảo cho quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đối tác phát triển phù hợp với mục tiêu tổng quát trong 2 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Việt Nam.

Các khuyến nghị sẽ được tiếp thu và cân nhắc để vận dụng trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như trong quá trình tái cấu trúc, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” trong giai đoạn phát triển mới.
 
 
Huy Thắng
Nguồn: chinhphu.vn