Hỗ trợ liên kết hợp tác công-tư trong nông nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển nông nghiệp đang được Bộ NNPTNT khuyến khích, bởi nó nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Ảnh minh họa

Ngày 19/12 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội thảo Hướng dẫn triển khai Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và lấy ý kiến xây dựng tài liệu hỗ trợ thúc đẩy mối liên kết hợp tác công tư (PPP).

Mặc dù ngành Nông nghiệp những năm qua đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết như tăng trưởng về số lượng nhiều hơn là chất lượng và hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp.
 Nhiều chuyên gia nông nghiệp tại Hội thảo cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP trong nông nghiệp là cần thiết vì xuất phát từ yêu cầu tăng hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.
 
Nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp và nông dân
 
Trong dự thảo về việc xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp tác công-tư, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), nêu lên một số điều kiện ưu đãi dành cho DN và nông dân được đưa ra lấy ý kiến như: DN phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với các DN khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, gắn với mua nông sản của hộ nông dân. Hộ nông dân cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được cấp có thẩm quyền xác nhận…

Trong chính sách về đất đai, nông dân được phép liên kết với DN thông qua các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất, liên kết giữa các hộ nông dân để tổ chức sản xuất với DN. DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó…
 
Cơ chế bảo đảm tiền vay được bản dự thảo đưa ra đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với các đối tượng là cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại.
 
Bản dự thảo cũng nêu: DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải có trách nhiệm mua hết nông sản hàng hóa đúng thời gian và địa điểm như đã cam kết trong hợp đồng. Tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng nông sản hàng hóa phải được đánh giá đúng, DN không được tự ý hạ cấp sản phẩm, ép giảm giá mua nông sản, nâng giá bán vật tư, làm thiệt hại cho người sản xuất…
Tham gia góp ý dự thảo tài liệu hỗ trợ thúc đẩy mối liên kết hợp tác PPP, đại diện một số địa phương đã cho rằng nhiều vấn đề trong dự thảo như ký hợp đồng, chia quyền lợi giữa DN và người nông dân cũng như việc xử lý hợp đồng nếu vi phạm còn chưa chặt chẽ. Do vậy cần chỉnh lý, bổ sung để tránh xảy ra khiếu kiện khi thực hiện liên kết và hợp tác PPP, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, DN và người nông dân.
 
 
 
Đỗ Hương
Nguồn: chinhphu.vn