Mục tiêu tăng trưởng 5,8%: Cần sự cố gắng rất lớn
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trao đổi về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2013 cũng là năm hết sức khó khăn, song với sự điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được kết quả tương đối tốt.
Kinh tế vĩ mô đi vào ổn định và ngày càng vững chắc hơn; tăng trưởng tuy không đạt kế hoạch 5,5%, nhưng đã đạt mức khoảng 5,42%. Đây là một cố gắng rất cao của các cấp, các ngành và nói lên xu thế là sự phục hồi kinh tế tuy chậm, nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng dần.
Sang năm 2014, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014 tăng trưởng 5,8% chúng ta phải cố gắng rất nhiều, với sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đảm bảo được điều này, lạm phát sẽ quay trở lại, lãi suất tăng lên, doanh nghiệp còn khó khăn hơn.
Thứ hai là phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong nông nghiệp.
Doanh nghiệp có điều kiện, có định hướng tốt, sản phẩm tốt… cần tạo điều kiện để được tiếp cận với vốn lãi suất thấp. Phải có chủ trương chỉ đạo rạch ròi về điều này. Nguồn tiền phải bơm thẳng vào các doanh nghiệp này để họ đầu tư vào các mặt hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ. Cùng với đó dành ưu tiên tín dụng vào khu vực sản xuất các mặt hàng truyền thống, các hộ sản xuất nông nghiệp có thị trường tốt.
Song song với đó, phải khai thác tốt hơn nữa nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, đó là các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực tư nhân của nước ngoài.
Đồng thời quan tâm đến các doanh nghiệp thuộc khu vực trong nước, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này một cách thiết thực hơn; tháo gỡ đúng những điểm khó khăn.
Nếu khôi phục được tiềm lực, sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài chúng ta sẽ có nguồn lực tốt, góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.
Mở rộng thị trường ngoài nước là nhân tố quan trọngthúc đẩy phát triển kinh tế
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, mở rộng thị trường ngoài nước là nhân tố hết sức quan trọng, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Bởi nếu làm tốt công tác thị trường ngoài nước, sản xuất trong nước sẽ có đầu ra, sản phẩm sẽ có nhiều thị trường để tiêu thụ. Nếu chúng ta càng mở rộng thị trường xuất nhập khẩu thì công tác hội nhập với đời sống kinh tế khu vực và thế giới ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra với ngành Công Thương và việc mở rộng thị trường ngoài nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2014. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại mở rộng thị trường ngoài nước, không phân biệt thị trường lớn, thị trường truyền thống hoặc tiềm năng, bằng nhiều biện pháp khắc phục khó khăn để phát huy kết quả đạt được trong năm 2013 và đạt được mục tiêu đã được Quốc hội và Chính phủ giao là xuất khẩu tăng trưởng tối thiểu 10% trong năm 2014.
Bên cạnh đó, làm tốt hơn công tác kiểm soát nhập khẩu, chỉ nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, cho đời sống nhân dân và hạn chế tối đa những mặt hàng không cần thiết để thực hiện cân bằng cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong những năm sau.
Cần lưu ý là nhiều thị trường ở rất xa, vì vậy tính chủ động, sáng tạo của tham tán thương mại là rất quan trọng, vừa phải chủ động, vừa phải linh hoạt duy trì thường xuyên việc liên hệ với doanh nghiệp trong nước, vừa phải duy trì chế độ báo cáo xin ý kiến của trưởng các cơ quan đại diện và các bộ, ngành trong nước.
Làm được như vậy, thị trường xuất khẩu năm 2014 sẽ được mở rộng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết thêm, vừa qua chúng ta đã đàm phán và ký kết được 8 hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) và Hiệp định có nội dung tương tự. Trong đó có các hiệp định thực hiện thỏa thuận khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định đầu tư và kinh doanh với Hoa Kỳ, hay 6 FTA với các đối tác trong khu vực.
Nếu chúng ta triển khai tốt và tận dụng những lợi thế do những hiệp định này mang lại thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành tích cực thúc đẩy đàm phán ký kết 6 FTA khác, trong đó quan trọng là TPP, FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan, với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực…
Đây là những hiệp định hết sức quan trọng, chúng ta đang cố gắng hoàn tất đàm phán để đi đến ký kết một số hiệp định trong năm 2014 để từ 2015 trở đi có thể tạo ra cục diện mới cho thị trường xuất nhập khẩu.
Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
|
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong suốt 3 năm vừa qua, Chính phủ và ngành Ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Đây là tiền đề rất tốt để tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong năm 2014.
Theo nghị quyết của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Quốc hội cũng đã phê duyệt mức bội chi ngân sách của năm 2014 là 5,3% và phê duyệt chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ cao hơn so với năm 2013.
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng theo mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 7%. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong năm 2014 vì một mặt phải ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác phải đảm bảo tăng trưởng ở mức khoảng 5,8%.
Chính vì vậy, cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo vừa kiềm chế được lạm phát, vừa phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, trong năm 2014 chúng ta cũng phải kiểm soát tốt mặt bằng giá cả, nhất là các mặt hàng đang có sự điều tiết giá của Nhà nước. Cần có lộ trình linh hoạt để tiếp cận với giá cả thị trường, tránh gây cú sốc về giá cả làm ảnh hưởng đến lạm phát.
Ngoài ra, việc cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ vừa đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, vừa đảm bảo xử lý nợ xấu và các gói hỗ trợ khác.
Tóm lại, để thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng hợp lý đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải có sự phối hợp nhịp nhàng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
|
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2014 vẫn phải tiếp tục có những giải pháp mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mặc dù thị trường bất động sản đang ấm lên.
Một quan điểm hết sức quan trọng là gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện Chiến lược về nhà ở để sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng. Phải tập trung cơ cấu lại các dự án bất động sản và các sản phẩm bất động sản, khắc phục những lệch pha cung cầu giữa một bên là nguồn cung thừa của những sản phẩm cao cấp và một bên là nguồn cung thiếu nhưng cầu rất lớn đối với sản phẩm nhà ở trung bình, quy mô nhỏ, phù hợp với đại đa số người dân… để từ đó tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.
Vì vậy phải hướng tới Chiến lược nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. Đây sẽ là kênh đầu tư rất lớn, kích cầu cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại và sẽ khai thông các lĩnh vực sản xuất liên quan như vật liệu xây dựng, thép, nội thất, thậm chí điện… tạo điều kiện cải thiện nhà ở cho người dân.
Theo Chinhphu.vn