Đổi mới thể chế, tăng cường dân chủ - Bước đột phá thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước 

(Chinhphu.vn) – Ngày 1/1/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu đầy tâm huyết gửi đến toàn dân. Đây được coi là bản Thông điệp đầu năm mới, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Đinh Xuân Thảo

Với bốn mục lớn, hơn bốn nghìn từ, bản Thông điệp đã để lại rất nhiều dấu ấn, trong đó, quan điểm về việc “đổi mới thể chế” và “tăng cường dân chủ” nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện đất nước là hai nội dung nổi bật, góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước trong tình hình mới.

 

Vì sao phải đổi mới thể chế, tăng cường dân chủ
 
Những lời lẽ tâm huyết, đặc biệt là việc nhìn thẳng vào thực tế đất nước, nêu rõ những việc cần phải làm và những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới… là điểm thuyết phục lớn nhất toát lên từ bản Thông điệp Năm mới của Thủ tướng.

Thông điệp khẳng định: Để tạo động lực cho đất nước phát triển, phải đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Trước hết, cần phải nhận thức rõ ràng rằng thể chế ở đây bao gồm cả thể chế kinh tế và thể chế chính trị.
Đối với thể chế kinh tế, cần phải tiếp tục đổi mới vì: “Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia”.
Đối với thể chế chính trị, cần phải tiếp tục đổi mới vì “không thể có năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.
Lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm của ba mươi năm Đổi mới, Thủ tướng đã rất đúng khi nhận định rằng: “Những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế…”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy “trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”. Và “nguồn lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Có thể nói, trong bối cảnh mới hiện nay, khi mà nền kinh tế nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế thế giới thì việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, phát triển lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các đối tác nước ngoài… chính là việc làm cần thiết và phải làm ngay. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường…[1]. Thông điệp về việc đổi mới thể chế chính là sự kế thừa, tiếp nối dòng chảy trong lịch sử đổi mới, phát triển của dân tộc, đưa đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, sánh vai cùng cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tâm nguyện.
Cùng với việc đổi mới thể chế, cần phải tăng cường dân chủ. Bởi vì dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của Nhân dân.
Thông điệp khẳng định rõ: “Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc”; “dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xoá bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Quan điểm về tăng cường dân chủ trong bản Thông điệp của Thủ tướng cũng chính là những nội dung mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã khẳng định: Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 6, Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 chỉ rõ phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình là bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Thông điệp đã nhấn mạnh rất đúng về vai trò của dân chủ trực tiếp ngày càng sâu rộng và thực chất, để nền dân chủ rộng rãi và thực chất ngày càng nở hoa kết trái: “Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả”. Thật vậy, chỉ khi phát huy được mạnh mẽ dân chủ trong toàn xã hội, thế và lực của đất nước mới có điều kiện phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và thời đại. Và đó chính là điều kiện tiền đề quan trọng nhất để đất nước phát triển bền vững, nâng cao mạnh mẽ năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, điều này càng trở nên quan trọng khi hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức đang tạo ra cả cơ hội và thách thức. Chủ động đổi mới thể chế, thực hiện nền dân chủ rộng rãi là điều kiện cho phát triển và hội nhập ngay trong khó khăn, chủ động đưa đất nước phát triển đi lên.
 
Những việc phải làm ngay
 
Phúc đáp từ yêu cầu của thực tiễn, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng càng có giá trị hơn, phù hợp với ý nguyện của nhân dân khi xác định rõ những việc phải làm ngay trong thời gian tới. Cụ thể:
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Theo bản Thông điệp: “Dân chủ và pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại”. Trong lịch sử, cùng với việc bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Do đó, để xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần phải đặc biệt coi trọng pháp luật. “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền[2]”. Hơn nữa, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Người dân có quyền làm rất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.
Hai là, đổi mới thể chế, tăng cường dân chủ, đồng thời Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển để thực sự tạo động lực cho xã hội phát triển. Kiến tạo phát triển ở đây cần phải được hiểu là Nhà nước không làm thay nhân dân, Nhà nước chỉ tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của cá nhân mình và đóng góp cho xã hội; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện của mình và quyền sở hữu tài sản; Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ và xoá bỏ độc quyền; Nhà nước có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; Nhà nước xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Ba là, trong năm 2014, phải tập trung cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Có thể nói, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã khái quát đầy đủ tất cả ý Đảng, lòng Dân thông qua việc xác định mục tiêu, kế hoạch, cách làm, phương tiện và lực lượng... để thực hiện cho được mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc xây dựng, đổi mới đất nước, mà trước hết là việc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng rằng đất nước sẽ gặt hái được những thành công lớn trong thời gian tới.
 
 
PGS.TS Đinh Xuân Thảo

 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Nguồn: chinhphu.vn


[1] Theo Điều 52 – Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) năm 2013

[2] Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.