Khuyến khích hoạt động xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng 

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, khuyến khích các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính liên ngành, liên vùng; hạn chế thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đơn lẻ nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

Ảnh minh họa
 
Quyết định cũng nêu rõ, các hoạt động xúc tiến đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí và tiến độ triển khai.
Theo Quyết định, hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm 8 nội dung:
1- Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
2- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư;
3-Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
4- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
5- Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.
6- Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
7- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
8- Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mục tiêu, định hướng phát triển của ngành, địa phương để xây dựng hoặc đề xuất chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm; bao gồm: Các hoạt động đề xuất đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; chương trình xúc tiến đầu tư của bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoạt động xúc tiến đầu tư của Ban quản lý được tập hợp trong chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); các hoạt động xúc tiến đầu tư đề xuất đưa vào chương trình của các đoàn cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư
 
Quyết định nêu rõ, trong phạm vi quản lý của mình, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư. Nội dung hỗ trợ bao gồm: Cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế-xã hội; tình hình đầu tư; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành và vùng lãnh thổ; pháp luật, cơ chế, chính sách; tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư khi có yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư; hướng dẫn thủ tục đầu tư; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết, đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, có nội dung phức tạp, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phối hợp thành lập tổ công tác để hỗ trợ trong quá trình: xúc tiến đầu tư (nghiên cứu, thành lập hồ sơ, triển khai các thủ tục), cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư.
Khuyến khích việc hợp tác trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, gồm: Hợp tác và phối hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch; hợp tác giữa các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý; hợp tác giữa các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư; hợp tác quốc tế về xúc tiến đầu tư.
 
 
 
 
Hoàng Diên
Nguồn: chinhphu.vn