Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trương ương và địa phương 
Đây là một trong những nhiệm vụ của ngành Thống kê được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2014 do Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong 2 ngày (16-17/1/2014) tại Hà Nội

 
Ảnh: Nhã Chi
 
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, tại các diễn đàn của Quốc hội, các hội thảo kinh tế cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến vấn đề chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương. Vì vậy, ngành thống kê cần đẩy nhanh hơn nữa Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu tổng sản phẩm trong nước giữa Trung ương và địa phương”.
 
Về vấn đề này, theo Tổng cục Thống kê, sau 3 năm thực hiện Đề án đã thu được những kết quả tích cực. Đến nay, chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương có giảm, một số địa phương đã tính toán số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sát với thực tế sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả đạt được không bền vững.
 
Trong Kế hoạch công tác năm 2014, Tổng cục Thống kê đề ra nhiệm vụ rà soát số liệu GDP giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho năm 2012 và kiểm tra sơ bộ số liệu GDP năm  2013. Đồng thời để giảm áp lực cho các Cục Thống kê trong việc biên soạn số liệu GRDP, từ năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ chủ trì, trực tiếp tính toán và công bố số liệu GRDP cho các địa phương thống nhất sử dụng.
 
Cho ý kiến đối với nội dung này, đại diện Cục Thống kê TP.HCM nhấn mạnh: “VIệc thực hiện Đề án nêu trên trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng đối với ngành thống kê. Việc khắc phục chênh lệch số liệu này là nỗi niềm đau đáu, là “món nợ” chưa trả được của những người làm công tác thống kê thời gian qua”.
 
Thông tin về kết quả công tác thống kê năm 2013, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, ngành Thống kê triển khai kế hoạch công tác năm 2013 với nhiều nhiệm vụ lớn, một mặt bảo đảm tốt nhất thông tin thống kê phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đánh giá, dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Mặt khác, triển khai các công việc có tính chất quan trọng, lâu dài trong các lĩnh vực: hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, hoàn thiện phương pháp chế độ thống kê và chế độ báo cáo thống kê, tổ chức, cán bộ…
 
Một điểm đáng chú ý là năm 2013, Tổng cục Thống kê đã tập trung tính toán, chuyển đổi các dãy số liệu thời kỳ 2006 – 2010 và 2011 – 2012 theo năm gốc 2010 và tính chuyển từ Hệ thống  ngành kinh tế quốc dân 1993 (VSIC 1993) sang Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007). Căn cứ vào kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 và các cuộc điều tra khác, Tổng cục Thống kê đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh bổ sung đầy đủ hơn phạm vi tính chỉ tiêu giá trị tăng thêm của hai ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và nhà ở tự có tực ở; điều chỉnh lại quy mô tổng sản phẩm trong nước cho dãy số liệu từ năm 2004 – 2012 theo giá hiện hành và giá so sánh, tốc độ tăng và cơ cấu. Kết quả việc điều chỉnh này được ghi chú rõ trong Niên giám Thống kê năm 2012 và thông báo công khai tại Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2013.
 
Cũng trong năm 2013, Tổng cục Thống kê đã biên soạn hệ thống số liệu (2008 – 2013) phục vụ Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Biên soạn 6 ấn phẩm từ kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 và kết quả điều tra doanh nghiệp…
 
 
 
 
Trung Hiếu
Báo Đấu thầu; Người đăng: T.An