Nhiều tín hiệu tích cực cho DN và nền kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường và cạnh tranh lành mạnh trong thời gian qua đã đem đến niềm tin cho các DN và tạo đà để phát triển trong năm 2014-2015.

Ảnh minh họa
 
Trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi với các chỉ tiêu đáng ghi nhận. GDP tăng 5,4%, lạm phát được kiềm chế và CPI chỉ tăng 6,02% so với tháng 12/2012.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) tăng trên 14.4% (vượt 4,4% so với kế hoạch) trong khi nhập siêu chỉ còn khoảng 0,4 tỷ USD. Hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 9,4% so với mức tăng 21,5% so với cùng kì năm 2012.
Đặc biệt, gần 11.800 DN trong nước tạm ngưng hoạt động đã quay lại hoạt động. Khu vực FDI vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng với số vốn đăng kí đạt 20,8 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2012. Thanh khoản ngân hàng thương mại đã ổn định hơn so với các năm trước, thị trường tài chính, thị trường bất động sản đã có những khởi sắc và đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, các DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội làm ăn được mở ra do sự đổi mới từ các chính sách tài khóa mà Chính phủ đang triển khai. Hiện 1/3 số nợ xấu đã được xử lý tạo quan hệ lành mạnh giữa DN và ngân hàng. Các chính sách về giảm lãi suất đang mở ra những cơ hội lớn cho các DN trong việc tiếp cận vốn để phát triển, mở rộng DN.
Bên cạnh đó, theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang có vị thế tốt cho XNK. Hiện tăng trưởng và xếp hạng về kinh tế của Việt Nam trên thế giới đang tăng lên. Cùng với sự đi lên của thị trường và lợi thế về lao động Việt Nam đang trong giai đoạn chín muồi về thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại thế giới năm 2014, tăng khoảng 4% so với mức tăng 2,5% của năm 2013. Dòng FDI trong năm 2014 cũng sẽ tăng khoảng 200 tỷ USD so với năm 2013, dự kiến sẽ đạt khoảng 1.600 tỷ USD và đặc biệt có xu hướng chuyển dịch và đầu tư nhiều ở khu vực châu Á.
Thời điểm thích hợp để DN tái cơ cấu
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thời điểm hiện nay tạo ra những cơ hội lớn cho tái cấu trúc DN, đẩy nhanh tiến trình gia nhập thị trường, qua việc tái cấu trúc tư duy chiến lược, tính toán lại phân khúc thích hợp, chọn khu vực nào là chủ chốt tạo ra lợi nhuận, khẳng định tính ưu việt so với đối thủ.
Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Quốc hội TPHCM, để tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, chính sách tái cấu trúc DN trong đó tập trung tái cấu trúc các DN Nhà nước sẽ là nền tảng vững chắc để cải cách thể chế kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực trong việc cải cách thể chế đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại; DN Nhà nước, các giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2014 thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước, giải quyết đồng bộ 4 vấn đề sức mua của thị trường, xử lí nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt, làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên (nông nghiệp, sản xuất hàng XK, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao).
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng cần đột phá và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước. Cải cách DN Nhà nước sẽ là thông điệp cho các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam thực chất đã đi vào cải cách thể chế kinh tế.
Đối với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, những ngành nào gặp khó khăn nhất khi kinh tế khủng hoảng cũng sẽ phục hồi sớm nhất, trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, đồ nhựa, vật liệu xây dựng, viễn thông...
Bên cạnh đó, bản thân DN cũng phải tái cấu trúc cả về tư duy chiến lược. Đặc biệt, DN nên biết và lựa chọn phân khúc tạo ra lợi nhuận tránh tình trạng đầu tư tràn lan.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho biết, các DN rất mừng khi nhìn vào quyết tâm cổ phần hóa các DN Nhà nước của Chính phủ. Bởi vì khi các DN Nhà nước làm ăn không hiệu quả sẽ dẫn tới những ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế. Như vậy, cần thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa sự phát triển của kinh tế tư nhân để tăng thêm nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước.
 
 
 
 
Thủy Đức
Nguồn: chinhphu.vn