Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương 

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý, theo đó có nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến cơ chế phân cấp, nguyên tắc cân đối NSNN và nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Cần sửa lại cơ chế phân cấp theo hướng tạo thêm sức mạnh cho ngân sách trung ương,

đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương

Theo Bộ KH&ĐT, cơ chế phân cấp ngân sách hiện hành phân chia nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương là chưa hợp lý. Việc để lại cho cân đối ngân sách địa phương như hiện nay, nhất là đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương làm nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) bị phân tán, ngân sách trung ương luôn trong tình trạng khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển. Tình trạng này dẫn đến Trung ương không có đủ nguồn lực đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn, mang tính chất liên vùng, liên ngành và cả nước, các công trình quan trọng có ý nghĩa dẫn dắt, tạo sức đột phá, lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Khắc phục bất cập này, cần sửa lại cơ chế phân cấp theo hướng tạo thêm sức mạnh cho ngân sách trung ương, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Về nguyên tắc cân đối NSNN, tại khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định: "NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên, góp phần tích lũy ngày càng cao cho chi đầu tư phát triển. Trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, tiến tới cân bằng thu chi NSNN". Theo Bộ KH&ĐT, với quy định nguyên tắc cân đối này, thì chi đầu tư phát triển là phần còn lại sau khi đã bố trí đủ chi thường xuyên, chi trả nợ; kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN sẽ luôn trong thế bị động và không cân đối được. Và thực tế trong việc bố trí cân đối NSNN trong nhiều năm qua đã cho thấy rõ điều đó. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị việc cân đối NSNN phải dựa trên cơ sở tồng nguồn, bao gồm: tổng thu NSNN, bội chi và nhu cầu chi được tính toán căn cứ mục tiêu, chính sách và các tiêu chí định mức chi.

Đối với chi đầu tư phát triển, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, XI cầy quy định: "dành toàn bộ số bội chi NSNN, tiền thu về sử dụng đất và một phần tiền thu về tài nguyên cho đầu tư phát triển". Quy định như vậy sẽ bảo đảm cân đối chi NSNN một cách tích cực. Bội chi NSNN là khoản vay của Nhà nước, tiền thu về sử dụng đất, thu về tài nguyên không phải là lợi nhuận của nền kinh tế; cho nên cần phải giành để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh; từ đó phát triển được sản xuất, tạo ra nguồn thu lớn hon đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước.

Liên quan đến hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, cần quy định rõ ngân sách địa phương phải chủ động đảm bảo cân đối cho các hoạt động theo nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương theo các mục tiêu, dự án cụ thể, tập trung cho các dự án lớn, quan trọng có tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế chung của địa phương, vùng miền.

Bổ sung quy định chi ngân sách cho các dự án PPP

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị bổ sung mục chi: chi bổ sung dự trữ quốc gia thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN hiện hành, vì chi bổ sung dự trữ quốc gia về bản chất là các hoạt động mua sắm vật tư hàng hóa dữ trữ quốc gia thuộc phạm vi, lĩnh vực của chương trình đầu tư công. Việc mua tăng hay mua bổ sung hàng dự trữ quốc gia cần gắn liền với năng lực của hệ thống kho tàng dự trữ quốc gia vì vậy cần giữ nguyên như quy định của Luật NSNN hiện hành.

Bên cạnh đó, liên quan đến nhiệm vụ chi ngân sách trung ương, ngân sách địa phương quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT cho rằng, quy định này chưa thể hiện được sự tham gia của Nhà nước trong các dự án hợp tác công - tư (PPP) (nhà nước góp vốn trong giai đoạn chuẩn bị dự án và triển khai thực hiện dự án PPP). Vì vậy, Bộ đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương bao gồm cả phần tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

 

 

Q.M

Nguồn: Báo Đấu thầu

Người biên: T.An