Nghị quyết Chính phủ về đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn NN tại DN 
(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
 
Theo đó, Chính phủ giao các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp Nhà nước quán triệt và làm tốt công tác tư tưởng theo các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, căn cứ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt để thực hiện.
Xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo hướng: Phù hợp với Đề án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc thoái vốn hoàn thành trước ngày 31/12/2015; bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách thì thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính theo chế độ hiện hành và lập phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền theo đúng Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09/7/2012 của Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ, trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp Nhà nước và Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan xử lý chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.
 
Các giải pháp thoái vốn ngoài ngành
 
Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngoài các quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện các giải pháp sau:

Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Trường hợp đấu giá không thành công doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.
Chào bán ra công chúng số cổ phần mà doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh: i) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; ii) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; iii) Năm liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát để chuyển giao doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
 
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành
 
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm thông báo cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên.
Tại thời điểm tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng khoản đầu tư cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước nếu chưa trích lập hoặc trích lập chưa đủ khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm trích lập bổ sung khoản dự phòng theo quy định.

Xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp
 
Chính phủ giao các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc quyền đại diện chủ sở hữu, gửi Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo nguyên tắc:
- Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của tập đoàn, tổng công ty đối với phát triển của ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn Nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ.
- Tập đoàn Bảo Việt, các ngân hàng thương mại cổ phần duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ (trừ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam).
-  Trường hợp các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 929/QĐ-TTg thì thực hiện theo Quyết định đã được phê duyệt. Sau năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ theo quy định và tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
 
 
 
 
Hoàng Diên
Nguồn: chinhphu.vn