Xây dựng chế độ sở hữu chuyên nghiệp cho DNNN 
(Chinhphu.vn) - Bên cạnh những giải pháp tăng cường quản lý nhà nước vẫn cần phải nghiên cứu thêm các giải pháp tạo động lực cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Báo Điện tử Chính phủ giới thiệu bài viết của Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Investconsult Group như một ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang lấy ý kiến góp ý của dư luận.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tái cơ cấu DNNN đang là một nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu. Đã có rất nhiều chính sách mới, luật mới được đưa ra nhằm thúc đẩy quá trình này.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung thêm một chương về DNNN với một số điểm mới đáng chú ý là: DNNN chỉ tập trung vào một số ngành nghề, không dàn trải; hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác; lập một cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Đây là những thay đổi cần thiết cho quá trình quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước vẫn cần phải nghiên cứu thêm các giải pháp tạo động lực cho các DNNN. Có thể thấy trước đây việc gom các công ty, tổng công ty chuyên ngành của Nhà nước trở thành các tập đoàn kinh tế đa diện và đa dạng hơn không thành công và bây giờ chúng ta đang sắp xếp lại để nó quay trở về trạng thái cũ, không kinh doanh đa ngành, đa nghề nữa.
Vấn đề cần đặt ra là quá trình sắp xếp lại này liệu có làm thay đổi bản chất phi động lực của các doanh nghiệp này không, hay chỉ làm cho nó phù hợp với năng lực quản lý của Nhà nước thôi. Và năng lực quản lý của Nhà nước trong trường hợp này có phải là yếu tố cơ bản để tạo ra tính có ích hay tạo ra hiệu quả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước không?
Trong tổng kết của các cơ quan chuyên trách có đưa ra những nguyên nhân như cơ chế quản lý Nhà nước chưa theo kịp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN còn chồng chéo… tôi cho rằng dù có làm tốt những chuyện như vậy thì nó vẫn không tạo ra động lực của khu vực DNNN được.
Trước đây việc gom những yếu tố không có động lực lại thành một tập đoàn cũng không làm cho nó có động lực kinh tế, mà chỉ làm tăng cường động lực chính trị, làm cho các tập đoàn thi nhau phát triển như là quy mô gây ảnh hưởng chính trị và các thế lực chính trị, không bao giờ đẻ ra thế lực hoặc quy mô kinh tế, không đẻ ra năng lực kinh tế.
Bản chất của năng lực kinh tế của các doanh nghiệp chính là tăng năng suất, thu lợi nhuận. Chuyển từ năng suất lao động sang lợi nhuận thông qua việc chuyển đổi từ công ty, tổng công ty chuyên ngành thành tập đoàn kinh tế không cứu vãn được bản chất không có động lực của các tổ chức kinh tế Nhà nước. Bây giờ chúng ta lại phải dỡ nó ra để trả nó lại trạng thái ban đầu và tính thiếu động lực của nó vẫn còn nguyên đó.
Sự thiếu động lực của DNNN bắt nguồn từ tâm lý vụ lợi, tâm lý tận dụng một chế độ sở hữu trong đó các quyền sở hữu và trách nhiệm đối với các đối tượng sở hữu không rõ ràng. Cho nên khi xây dựng luật điều chỉnh khối doanh nghiệp này cần chú ý đến vấn đề xây dựng một chế độ sở hữu rõ ràng, chuyên nghiệp.
Sự thiếu quan trọng nhất trong các bộ luật nói chung và trong luật về DNNN của chúng ta hiện nay là chưa xây dựng một chế độ sở hữu chuyên nghiệp. Không minh bạch về sở hữu, không có định nghĩa về chế độ sở hữu thì không thể xây dựng chế độ quản trị sở hữu được. Mà chế độ quản trị sở hữu chính là chế độ trung tâm của toàn bộ quá trình quản lý kinh tế vi mô.
Cần phải phấn đấu để cho sở hữu trở thành yếu tố mang chất lượng động lực và trở thành yếu tố trách nhiệm trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Thay cho chế độ sở hữu mềm dẻo vốn có, cần phải xây dựng chế độ sở hữu chuyên nghiệp để mỗi một nhà điều hành doanh nghiệp có trách nhiệm đối với các đối tượng sở hữu và có các quyền sở hữu rõ ràng. Trách nhiệm đối với các đối tượng sở hữu và các quyền sở hữu sẽ tạo thành một áp lực thường xuyên và kiên nhẫn lên bộ máy điều hành và do đó tạo ra sự hoạt động tích cực và có động lực của bộ máy điều hành.
Ở đây về mặt lý thuyết cần phải làm rõ một vấn đề rất quan trọng là sở hữu tư liệu sản xuất không đủ để tạo ra tính động lực của hoạt động kinh doanh mà sở hữu các lợi nhuận kinh doanh, các kết quả kinh doanh mới là yếu tố tạo ra động lực.
Cho nên một chế độ sở hữu chuyên nghiệp cần phải được xây dựng dựa trên hai chế độ quan trọng nhất là chế độ trách nhiệm đối với tư liệu sản xuất được giao và chế độ phân phối lợi ích có được từ hoạt động kinh doanh.
Những nội dung này có thể được cụ thể hóa trong luật dưới dạng xây dựng các chế độ trách nhiệm với tiền vốn và tài sản mà Nhà nước giao cho và xây dựng chế độ phân phối lợi ích thông qua việc đánh giá thành tích kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là trong khi xây dựng những chế độ này, phải có một sự phân bố ranh giới rất rõ ràng giữa hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp Nhà nước với hiệu quả chính trị và xã hội của nó để không tạo ra những lối rẽ có chất lượng chính trị một cách dễ dàng đối với những người điều hành các doanh nghiệp Nhà nước.
Cũng có thể xây dựng một chế độ rẽ sang lĩnh vực chính trị cho các quan chức lãnh đạo các DNNN nhưng phải gắn liền với thành tích kinh doanh. Không được phép mô tả trách nhiệm của những người điều hành các xí nghiệp quốc doanh như là một nghĩa vụ yêu nước đơn giản, một tinh thần xây dựng đơn giản mà phải là một tinh thần xây dựng các kết quả kinh tế phù hợp với đời sống kinh tế thị trường.
Tóm lại, một trong những tinh thần căn bản của việc xây dựng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước chính là ở chỗ chúng ta phải làm rõ không có tương lai nào khác cho các doanh nghiệp Nhà nước ngoài việc nó đem lại lợi ích thật sự cho nền kinh tế và không có tương lai nào cho một nhà điều hành doanh nghiệp muốn bỏ qua giai đoạn kinh doanh để trở thành một nhà chính trị.
                                                           
 
 
 
 
 
Nguyễn Trần Bạt
Nguồn: chinhphu.vn