(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với KKT, KCN từ Trung ương tới địa phương theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về KKT, KCN, đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ, phù hợp với thực tế của các địa phương.
Ảnh minh họa
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KKT, KCN, trong đó các chỉ tiêu phải phản ánh toàn diện hoạt động của KKT-KCN trên các lĩnh vực; tổ chức cập nhật thường xuyên, theo dõi tiến độ, khó khăn, vướng mắc của từng KKT, KCN và các dự án đầu tư, tổng hợp thông tin phục vụ kịp thời cho công tác quản lý.
Kiểm tra nắm bắt thực trạng phát triển cụm công nghiệp của các địa phương
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp; rà soát, chuẩn xác và bổ sung thông tin, số liệu về tình hình hoạt động của cụm công nghiệp, đặc biệt là các chỉ tiêu thu hút đầu tư, sử dụng đất, môi trường...
Bộ Công Thương tổ chức một số đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp để nắm bắt cụ thể thực trạng phát triển cụm công nghiệp của các địa phương và báo cáo Ban Chỉ đạo phát triển các KKT, KCN các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì tổng kết, đánh giá việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với KKT, KCN theo Nghị định 87/2010/NĐ-CP và nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu đối với KKT, KCN đối với các trường hợp cần thiết; giải quyết kiến nghị của các địa phương liên quan đến áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN, thu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư vào KKT, KCN.
Cập nhật thực trạng xây dựng nhà ở cho người lao động KKT, KCN
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của KKT, KCN, cụm công nghiệp liên quan tới lĩnh vực xây dựng; tiếp tục theo dõi, cập nhật thực trạng xây dựng nhà ở cho người lao động KKT, KCN; hướng dẫn quy định về phát triển nhà ở cho người lao động KKT, KCN.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải, chất thải nguy hại trong KKT, KCN, cụm công nghiệp, báo cáo thực trạng khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp giải quyết.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 289 KCN với tổng diện tích 81.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 63%. Cùng với đó là 15 KKT ven biển với tổng diện tích 697.800 ha.
Trong năm 2013 vốn đầu tư nước ngoài vào các KKT, KCN đạt 19,9 tỷ USD và lũy kế đến nay các KCN đã thu hút 5.075 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 75,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 55% vốn đăng ký.
Các KKT đã thu hút 199 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 36,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 20%. Thu hút đầu tư trong nước năm 2013 vào các KCN, KKT tăng thêm 26,6 ngàn tỷ đồng và lũy kế đến nay đạt 5.463 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 524,2 ngàn tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 47%. Các KKT ven biển đã thu hút 624 dự án với tổng vốn đăng ký 445,5 ngàn tỷ, vốn thực hiện đạt 38%.
Năm 2013, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KKT, KCN đều tăng trưởng khá so với năm 2012. Tổng doanh thu đạt 100,3 tỷ USD, tăng 31%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 51,5 tỷ USD, tăng 36%, kim ngạch nhập khẩu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 24%, nộp NSNN hơn 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Thu hút 2,1 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 69%, lao động Việt Nam chiếm 98,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những mặt yếu như: Tỷ lệ lấp đầy còn thấp so với yêu cầu; điều kiện thu hút doanh nghiệp có nơi còn dễ dãi, chưa chú trọng vấn đề công nghệ, bảo vệ môi trường, nhà ở công nhân...; mô hình quản lý chưa nhất quán và hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo.
|
Phan Hiển