Thể chế hóa quy trình ra quyết định chủ trương đầu tư 

(Chinhphu.vn)- Ngày 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức Hội nghị thảo luận lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công.

Ảnh VGP/Huy Thắng
Những điểm mới nổi bật
 
Dự thảo Luật đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư và đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật này.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thực tế quản lý đầu tư công cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Chính vì vậy, dự thảo đã dành trọn Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Theo đó, dự thảo đã quy định cụ thể thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ  trương đầu tư đối với từng chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác.
Đây là những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là nội dung về thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án công.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ về công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định vốn và cân đối vốn, quyết định các chương trình, dự án quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình cũng như khả năng bổ sung vốn của cấp trên. Vì vậy việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công.
Dự thảo còn dành riêng 1 chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công, các quy định này bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. Đồng thời, dự thảo hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công, phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp…
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc phê duyệt chủ trương đầu tư là quan trọng bậc nhất, nhưng lãng phí lớn nhất là trong chủ trương đầu tư. Thực tế, trong quá trình thực hiện, nếu có thất thoát một vài phần trăm đã là nghiêm trọng. Chính vì vậy, dự thảo đã quy định chặt chẽ vấn đề này.
 
Phân cấp đầu tư cụ thể hơn
 
Theo Chủ nhiệm  Ủy ban Kinh tế  của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tư tưởng chỉ đạo là tăng cường tính công khai minh bạch, các dự án đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện việc giám sát.
Phó Chủ  tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng cần nâng mức các dự án nhóm lên mức cao hơn, ví dụ  nhóm A có thể lên 1.500 tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng việc phân loại dự án, nhóm A,B,C với một số tuyệt đối không hoàn toàn phù hợp với thực tế (hoặc trượt giá). Cần có sự phân loại theo tiêu chí định tính trên cơ sở giao cho Chính phủ điều chỉnh mức phù hợp từng giai đoạn.
Về quyết định chủ trương đầu tư, ông Long cho rằng ở địa phương có nhiều dự án nhỏ lẻ. Nếu chủ trương tất cả các dự án phải qua HĐND quyết định thì đôi khi khó khăn trong điều hành. Ví dụ, để kịp thời ứng phó với những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, địch họa, vỡ đê… thì UBND phải chủ động quyết định.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp thu các ý kiến đóng góp và cho rằng việc phân cấp các loại dự án (A, B, C) cũng cần quy định cụ thể hơn. Ví dụ các dự án nhóm A, UBND phải lập dự toán trình HĐND, nếu HĐND phê duyệt thì mới được trình lên cấp Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có các chương trình mục tiêu. Cần  thiết kế lại toàn bộ mục quyền hạn HĐND, UBND theo hướng phân cấp các dự án đầu tư và theo nguyên tắc tất cả phải thông qua HĐND địa phương. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng sẽ thiết kế lại các nội dung cho Điều 17 tăng cường tính mạch lạc và phân chia vai trò UBND và HĐND trong hoạt động đầu tư. 
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, thì việc xác định danh mục dự án và nhất là cân đối vốn đầu tư công trong giai đoạn 10 năm là rất khó khăn và phức tạp vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố biến động cả trong và ngoài nước.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn cho giai đoạn 5 năm trong dự thảo là phù hợp. Còn đối với đầu tư công trong thời gian dài, đề nghị chỉ nên quy định về mục tiêu, định hướng lớn theo nguyên tắc huy động nguồn lực trong các Chiến lược phát triển KTXH hoặc các Đề án về tầm nhìn phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Vinh cho biết thêm, để bảo đảm sau khi Luật được thông qua sớm đi vào cuộc sống, Bộ đã chuẩn bị dự thảo trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công như: Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn;  thanh tra kiểm tra giám sát cộng đồng và Nghị định về vốn ODA…
 
 
 
 
Huy Thắng
Nguồn: chinhphu.vn