“Hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn 

(Chinhphu.vn) – Chính quyền các địa phương cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp theo chuỗi sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh VGP/Thành Chung
 
Mặc dù là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, nhưng ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ việc huy động nguồn lực từ khối này vào xây dựng nông thôn mới chỉ chiếm 3% tổng số vốn đầu tư từ năm 2010-2013.
Đây cũng là vấn đề Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra cả ngày 24/3 bàn cách tháo gỡ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2013, tổng số vốn doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này chỉ chiếm 3% vốn đầu tư xây dựng NTM, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ trọng vốn từ cộng đồng dân cư là 10%, vốn ngân sách và lồng ghép là 27%, vốn tín dụng chiếm tỷ  trọng lớn nhất với 60%.
Nhìn vào tỷ trọng trên, nhiều đại biểu cho rằng: Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nông dân, nhưng chưa thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp xã hội khác. Đặc biệt, chưa thu hút được doanh nghiệp – thành phần giữ vai trò quan trọng trong xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Một lãnh đạo UBND huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết thêm: Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn chưa tham gia xây dựng giao thông nông thôn mới, trong khi đó nông dân đã đóng góp 23 tỷ đồng để làm đường giao thông.
Các ý kiến cũng cho rằng do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp khó tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất ở nông thôn sẽ gián tiếp tạo ra nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM.
Những bất cập từ câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn cũng được thể hiện tại Hội nghị qua trường hợp của Công ty sữa Đà Lạt Milk.
Hiện đang có 450 hộ dân ở 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương cung cấp sữa cho công ty này. Thu nhập của mỗi hộ đạt hàng chục triệu đồng/tháng. Đà Lạt Milk cũng ứng dụng công nghệ trong phối giống, chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo và hỗ trợ nông dân mua giống.
Tuy nhiên, để phát triển đàn bò ở các huyện, xã khác trên địa bàn, công ty lại gặp khó trong việc phát triển các trạm thu mua sữa và các trang trại hạt nhân tại các xã. Do vậy, nếu chính quyền địa phương sớm cấp đất cho doanh nghiệp làm trạm thu mua sữa thì họ sẽ yên tâm đầu tư hơn.
Nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ đồng tình việc chính quyền địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp theo chuỗi sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ảnh VGP/Thành Chung
Song song với đó, chính quyền cũng quan tâm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, rà soát, bổ sung quy hoạch hợp lý để phát huy lợi thế  ở mỗi địa bàn gắn với lợi ích cụ  thể mà người nông dân hưởng. “Có quan tâm thì doanh nghiệp mới yên tâm đến đầu tư và nông dân cũng yên tâm làm ăn”, Phó Thủ  tướng Vũ Văn Ninh nói.
Hơn nữa, trong hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần đi vào những công việc cụ thể, chi tiết để giúp đỡ. Ví như, ở Lâm Đồng, một doanh nghiệp trồng hoa hiện đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất, do không được thế chấp công trình sắp hoàn thành là nhà kính trồng hoa để vay vốn ngân hàng,... chính quyền cần phải vào cuộc. Giải quyết được khâu này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM.
Đánh giá chung về xây dựng NTM ở 3 khu vực trong 3 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ vui mừng khi đã có 42 xã đạt đủ 19 tiêu chí NTM, khẳng định phong trào đã cho kết quả và hướng đi đúng đắn.
Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố phải xác định rõ mục tiêu NTM là nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân. Đồng thời quán triệt làm NTM phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ và  vững chắc, không nóng vội, phát huy dân chủ ở làng xã. Ban chỉ đạo sẽ nghiên cứu xây dựng bộ máy thực hiện thông suốt từ Trung ương tới địa phương để theo sát Chương trình.
Trong việc đầu tư các công trình nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, công trình nào quan trọng thì làm trước. Các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn thực hiện việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để chính quyền địa phương yên tâm chỉ đạo phong trào.
Đối với việc nuôi bò sữa tại khu vực, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa con bò vào danh mục bảo hiểm nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển đàn bò.
 
 
 
 
Thành Chung
Nguồn: chinhphu.vn