Các chỉ tiêu kinh tế đối ngoại quý I/2014. Nguồn Tổng cục Thống kê
Vốn đầu tư nước ngoài có 3 nguồn, lớn nhất là vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Trong quý này, lượng vốn FDI đăng ký của những dự án cấp phép mới đạt 2,046 tỷ USD; lượng vốn đăng ký bổ sung đạt 1,287 tỷ USD. Tính chung, tổng lượng vốn FDI đăng ký ước quý I đạt 3,334 tỷ USD, giảm 49,6%. Đây là tốc độ giảm khá lớn.
Tuy nhiên, do được tăng thêm năng lực của các năm trước, cộng với việc khai thác các lợi thế cũng như tranh thủ các thị trường quốc tế, nên xuất khẩu của khu vực FDI đạt quy mô lớn (kể cả dầu thô đạt 22,469 tỷ USD, chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; nếu không kể dầu thô đạt 20,778 tỷ USD, chiếm 62,3%).
Nguồn vốn ODA giải ngân trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt 364 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn vay ước đạt 331 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 33 triệu USD, bằng 9,1% tổng vốn giải ngân). Trong quý I cũng có 2 dự án ODA được ký kết, với số vốn hơn 265 triệu USD.
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay dưới dạng mua ròng gần 2.300 tỷ đồng, tương đương với 108 triệu USD. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang lên, giá cả trên thị trường bất động sản đang ở mức cách đây 5 - 7 năm và có những dấu hiệu sẽ ấm lên trước những động thái phối hợp giải cứu.
Xuất khẩu tiếp tục là lĩnh vực đạt kết quả nổi bật trong các ngành lĩnh vực với nhiều điểm vượt trội. Về quy mô, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 33,346 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt 11,115 tỷ USD, trong đó, lần đầu tiên tháng 3 đạt mốc 12 tỷ USD.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có 2 điểm vượt trội. Tốc độ giữa tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng GDP đạt trên 2,8 lần-chứng tỏ xuất khẩu là lối ra, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trong quý I đã cao hơn tốc độ tăng theo mục tiêu do Quốc hội đề ra cho cả năm (14,1% so với 10%).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả hai khu vực, trong đó khu vực kinh tế trong nước không còn tăng thấp như các kỳ trước, mà đã tăng khá cao (9,8%), trong khi khu vực FDI vẫn tăng cao hơn (16,3%), chiếm tỷ trọng lớn hơn (67,4%).
Mới qua 3 tháng đã có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại 5,42 tỷ USD; dệt may 4,54; điện tử máy tính 2,22; giày dép 2,16; dầu thô 1,69; thủy sản 1,62; phương tiện vận tải 1,61; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,53; gỗ và sản phẩm gỗ 1,44; cà phê 1,06 tỷ USD).
Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Kim ngạch hàng xuất khẩu là nguyên liệu khoáng sản thô thì than giảm 25,4%, dầu thô giảm 8,3%... Kim ngạch nông, lâm- thủy sản ước đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng kim ngạch của cả nước và tăng 9,4%.
Một số mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung, trong đó hóa chất tăng 77,6%, thủy sản tăng 35,3%, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù tăng 38,7%, rau quả tăng 26,7%, giày dép tăng 25,9%, gỗ và sản phẩm gỗ 23,3%, dệt may 21,9%, phương tiện vận tải 24,8%, điện thoại 22,7%...
Do xuất khẩu đạt quy mô cao và tăng cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam đã xuất siêu 1 tỷ USD, cao gấp trên 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực FDI xuất siêu 3,916 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,909 tỷ USD.
Tốc độ tăng và quy mô xuất khẩu của quý I là tín hiệu khả quan để cả năm kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 150 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra (145 tỷ USD) và một lần nữa không những không bị nhập siêu lớn mà có thể xuất siêu và có thể là năm xuất siêu lớn nhất.
Cán cân thương mại đạt được kết quả như trên đã góp phần vào việc cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ quốc tế, tỷ giá ổn định (giá USD tháng 3/2014 so với tháng 12/2013 giảm 0,07%; bình quân 3 tháng 2014 so với cùng kỳ chỉ tăng 0,94%).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I có một số điểm vượt trội. Mới qua 3 tháng đã có 2,327 triệu lượt người đến Việt Nam, bình quân 1 tháng đạt gần 776.000 lượt người- đó là quy mô khá cao.
Đáng chú ý, ngay tháng 3 cũng đã có gần 710 nghìn lượt người. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế đến trong quý I năm nay tăng tới 29,3%- một tốc độ tăng hiếm thấy.
Tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt được ở cả 4 mục đích đến. Khách đến để du lịch nghỉ dưỡng đông nhất (1,403 triệu lượt người, chiếm 60,3% tổng số) và tăng khá (27,1%). Khách vì công việc đạt 391,5 nghìn lượt người, chiếm 16,8% và tăng 28,8%. Khách đến vì mục đích thăm thân nhân đạt 403,8 nghìn lượt người, chiếm 17,4%, tăng khá cao (35,6%). Khách đến vì các mục đích khác (học tập, chữa bệnh,…) đạt 128,8 nghìn lượt người, chiếm 5,5%, tăng cao nhất (36,2%).
Một điểm nổi bật nữa là khách đến từ các nước và vùng lãnh thổ đều tăng khá, trong đó tăng cao có Hong Kong (Trung Quốc), Đức; những nước và vùng lãnh thổ có số khách đông và tăng cao có Trung Quốc, Liên bang Nga, Campuchia… Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt kỷ lục mới cả về số khách, cả về số thu xuất khẩu dịch vụ du lịch.
Minh Ngọc