Ảnh minh họa
Các “chiêu” chuyển giá
Tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế đang diễn ra ở một số DN FDI tại Việt Nam.
Các DN có hiện tượng trên thường phổ biến nhất ở các ngành có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết một số DN FDI làm cả 2 đầu là nâng chi phí đầu vào, tìm cách ép giá đầu ra xuống thấp và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam qua một nước trung gian (những nước trung gian có thuế suất thấp), sau đó từ công ty nước trung gian đưa hàng hóa vào châu Âu hay châu Mỹ.
Một số DN FDI khác lại dùng “thủ thuật” tìm mọi cách nâng chi phí đầu vào (nâng giá như thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư/đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ) để làm lợi nhuận giảm, khi đó DN không có lãi hoặc lãi ít nên không phải nộp hoặc nộp ít thuế thu nhập DN.
Cuối cùng là nhóm DN FDI có công ty mẹ ở nước ngoài. Thường các DN này sử dụng cả 2 hình thức nêu trên để thực hiện chuyển giá. Do công ty mẹ cung cấp nguyên liệu, đồng thời bao đầu ra của sản phẩm, nên việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý của Việt Nam, nhất là các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang nước trung gian thứ 3.
Ví dụ, khi gia công 1 đôi giày có giá 10 USD (giá tại nước nhập khẩu), nhưng công ty mẹ chỉ ký hợp đồng gia công cho DN FDI tại Việt Nam giá 9 USD, vì vậy DN sẽ báo cáo trên sổ sách là bị lỗ, từ đó không phải đóng thuế thu nhập DN.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách Nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.
Theo phân tích nguyên nhân của tình trạng chuyển giá, báo cáo PCI 2013 cho rằng, chính sách thuế của Việt Nam còn hạn chế và hay thay đổi. Vì vậy, cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: Xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan; điều chỉnh thuế thu nhập DN theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh chính.
Bên cạnh đó, cần nâng cao tính dễ dự đoán của chính sách thuế, công khai chính sách thuế trong những năm tiếp theo, áp dụng cơ chế tạo thuận lợi cho việc định giá trước. Đồng thời, cần xem xét thực tế là các quy định, chính sách thuế hay thay đổi và nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Theo TS. Lê Xuân Trường, trước mắt Việt Nam cần hoàn thiện hành trang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các DN.
Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng, đến nay Việt Nam cũng chưa có luật chống chuyển giá, mà chủ yếu là các văn bản dưới luật. Vì vậy, muốn kiểm soát và ngăn chặn tình trạng chuyển giá thì cần phải có sự đồng bộ, giao thoa của hệ thống các luật liên quan theo chuẩn mực pháp lý quốc tế, xác lập những thông tin độc lập có giá trị pháp lý quốc tế để điều chỉnh giá khi phát hiện giá đó không đúng.
Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, cần học tập kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản là áp dụng hình thức thỏa thuận trước giá với DN để hạn chế việc chuyển giá. Theo đó, có thể thỏa thuận theo hình thức nộp thuế trên 1 đơn vị sản phẩm, hay dựa vào doanh số bán ra.
Đăng Nguyên
Người đăng: T.An