Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo thuận lợi nhưng vẫn phải siết quản lý 

(Chinhphu.vn) - Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sắp được đưa ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây, ngày 10/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Luật Doanh nghiệp trong đó có nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các vấn đề đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp.

Thành lập doanh nghiệp, có nên dồn trách nhiệm cho hậu kiểm?
TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM .
Ảnh VGP/Huy Thắng
TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM, cho rằng một trong những nội dung quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là việc đăng ký kinh doanh sẽ có thay đổi căn bản. Trước hết, sẽ áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, sẽ tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, chẳng hạn yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định... Doanh nghiệp sẽ thực sự được làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì đã đăng ký. Điều đó cũng có nghĩa là trên giấy đăng ký kinh doanh, sẽ không còn danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh như vẫn thấy lâu nay.
Cụ thể,  theo Ths. Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, Luật Doanh nghiệp mới sẽ tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua việc áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo đó, sẽ tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký.
Luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadco, ủng hộ nhiều điểm cải tiến trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Cụ thể, hiện tại Thủ tục đăng ký DN được cải cách nhiều nhất nhưng theo xếp hạng của quốc tế, thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn còn khó, thời gian làm thủ tục vẫn mất 34 ngày. Việc áp dụng mô hình một cửa về đăng ký doanh nghiệp với thuế, lao động, bảo hiểm xã hội sẽ giảm được 5 thủ tục trong số 9 thủ tục đăng ký còn lại. Đây thực sự là thay đổi tương đối lớn so với hiện nay.
Tuy nhiên, khi phản biện về vấn đề thành lập doanh nghiệp, Luật sư Quang cho rằng không nên tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định... Luật sư Quang phân tích sẽ có nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra tuân thủ, và gây ra các tác động xấu tới xã hội.
Luật sư Quang cho rằng, thực tế, các điều kiện kinh doanh sẽ là cái sàng lọc các nhà đầu tư, để loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Việc gắn kết giữa thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực, ngược lại, các điều kiện kinh doanh là rào cản giúp các nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí, ít nhất là chi phí đăng ký doanh nghiệp, chi phí duy trì doanh nghiệp sau đăng ký, thuế môn bài, chi phí giải thể... Điều này còn giúp các cơ quan Nhà nước không phải “hậu kiểm” đối với các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Quang, có thể điều chỉnh thay vì hệ thống mã ngành nghề kinh tế, các giấy phép con hiện nay, cơ quan chức năng sẽ ban hành hệ thống mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện và sẽ được cập nhật, sửa đổi thường xuyên để phù hợp với môi trường kinh doanh trong từng giai đoạn cụ thể.

Việc ban hành hệ thống mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất quan trọng. Hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư tránh được rủi ro và sai lầm đáng tiếc trong việc đăng ký kinh doanh, ví dụ như trường hợp của nhà đầu tư Nguyễn Đình Nguyên đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp giấy đăng ký kinh doanh nuôi gián đất, nhưng sau đó Bộ NNPTNT lại yêu cầu xử lý nghiêm việc tự ý nuôi gián đất. Vụ việc nhỏ trên đã chỉ rõ sự thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước mà nhà đầu tư đã phải chịu rủi ro thiệt hại mặc dù việc tiến hành đăng ký kinh doanh theo đúng thủ tục. Một vấn đề nữa đặt ra qua vụ việc này là đối với các điều kiện dành cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải được nhất thể hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành đề cho nhà đầu tư tiện tham chiếu.
 
Quyền lợi cổ đông thiểu số
 
Theo Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự, việc dự thảo quy định tỷ lệ biểu quyết để Nghị quyết (65%), Quyết định (51%) được thông qua đối với một số nội dung nghĩa là giảm tỷ lệ biểu quyết so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, đã không thể hiện được mục đích bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn. Như vậy, chỉ cần một phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã quyết định được việc thông qua hay không thông qua được Quyết định của Đại hội đồng cổ đông và rõ ràng việc giảm tỷ lệ như vậy đã không bảo vệ được cổ đông thiểu số. Do đó, quy định tỷ lệ càng lớn sẽ hạn chế được sự độc đoán, chuyên quyền của các cổ đông lớn, bảo vệ quyền và lợi ích cho các cổ đông thiểu số.
Thực tế có trường hợp một cổ đông sở hữu 15,5% cổ phần hoàn toàn ngăn cản được việc thông qua Quyết định của Đại hội đồng cổ đông vì điều lệ quy định Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được 85% cổ phần có quyền biểu quyết chấp nhận. Việc cân nhắc để đưa ra một tỷ lệ hợp lý bảo vệ hài hòa quyền và lợi ích cho tất cả các cổ đông công ty là vô cùng cần thiết.
Luật gia Cao Bá Khoát cho hay: Khoản 2 Điều 136 Dự thảo vẫn giữ quan điểm như Khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo Quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Quy định này của dự thảo chưa hợp lý vì, theo quy định này, thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát có thể bãi miễn bất cứ lúc nào theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông nên không cần phải có điều kiện bãi miễn nào, thành viên HĐQT vẫn bị bãi miễn. Vấn đề là chúng ta bàn là tính hợp lý của việc bãi miễn thành viên HĐQT. Rõ ràng quy tắc bầu dồn phiếu quy định tại Khoản 3 Điều 123 Dự thảo có mục đích là đảm bảo cổ đông thiểu số cũng có thể cử người của mình tham gia HĐQT nhằm làm cho quản trị điều hành được minh bạch. Nhưng chính quy định về bãi miễn thành viên HĐQT vô tình đã làm vô hiệu hóa ý nghĩa trên của bầu dồn phiếu. Có thể xảy ra trường hợp nhóm cổ đông lớn hơn dần độc chiếm quyền quản lý điều hành.
Cần sửa đổi Khoản 2 Điều 136 theo hướng bảo vệ cổ đông thiểu số, việc bãi miễn thành viên HĐQT phải có cơ sở điều kiện và lý do rõ ràng, tránh tình trạng bãi miễn tùy tiện.
Để có hành lang pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ cổ đông thiểu số trong nội bộ doanh nghiệp, cần xây dựng cơ chế bảo vệ bằng cách tăng cường trách nhiệm giám sát doanh nghiệp của cơ quan Nhà nước như Tòa án, Phòng đăng ký kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
 
 
 
 
Huy Thắng
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An