Điện khí hóa nông thôn: Nỗ lực phủ kín 100% số xã vào 2020 

(Chinhphu.vn)- Qua 15 năm thực hiện, chúng ta đã đầu tư 50.000 tỷ đồng cho điện nông thôn. Đến hết năm 2013, tổng số các hộ tiêu dùng điện ở nông thôn cả nước đã đạt con số 97% - một tỷ lệ khá cao so với nhiều nước trong khu vực.

Đánh giá kết quả của 15 năm triển khai Chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2014-2020, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong 15 năm qua chúng ta đã đầu tư 50.000 tỷ đồng cho điện nông thôn, đến hết năm 2013, tổng số các hộ tiêu dùng điện ở nông thôn cả nước đã đạt 97%.

Thiết thực
 
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết chủ trương đưa điện về nông thôn không những góp phần cải thiện đời sống vật chất cho bà con nông thôn mà còn giúp người dân tiếp cận các loại máy móc thiết bị nông nghiệp, đồng thời chủ trương đường lối chính sách của Đảng của Nhà nước cũng được đến với từng hộ.
Theo Bộ Công Thương, công tác điện khí hóa nông thôn thực sự phát triển một cách có định hướng bắt đầu từ năm 1999, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg về Đề án Điện nông thôn đến năm 2000 với mục tiêu 80% số xã có điện sinh hoạt và sản xuất.
Trong quyết định này, cơ chế tài chính, trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương và ngành điện đã được quy định rõ với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”. Nhờ đó, hình thức đầu tư được đa dạng hóa, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đến cuối năm 2000, tỷ lệ đưa địên về nông thôn trong cả nước đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, 100% số huyện đã có điện; 7.314/8930 xã có điện, đạt tỷ lệ 81,9%, vượt chỉ tiêu 1,9%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 1998-2007, cứ sau 1 ngày, nước ta có thêm 1 xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân ở nông thôn.
Ngoài việc mở rộng kết nối tới những hộ dân chưa có điện, trong giai đoạn 2005-2008, vấn đề nâng cao chất lượng điện và công tác quản lý cũng được Chính phủ quan tâm. Thời kỳ này số hộ dân có điện chiếm 87%, hệ số hộ dân có điện đã tăng lên gần 94%. Chính phủ đã có những chính sách mở rộng kết nối lưới điện, đặc biệt là đối với khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã chiếm tỷ lệ 84,57%, với 13,40/16,23 triệu hộ nông dân, người dân đã mua được điện chất luợng cao, ổn dịnh theo giá thống nhất của Chính phủ.
 
Bài bản
 
Đánh giá về kết quả này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những nghiên cứu về điện khí hoá nông thôn bài bản, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra được những chính sách đúng đắn. Thành công lớn của Việt Nam đó là được thế giới công nhận, nhiều nước muốn học theo mô hình của Việt Nam.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng Việt Nam  đã  có chương trình ưu tiên một cách có hệ thống cho việc phát triển điện khí hoá nông thôn, trong đó sự cam kết của Chính phủ được thể hiện mạnh mẽ, rõ ràng.
Từ năm 1995 đến nay, ADB đã triển khai 6 gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho lĩnh vực năng lượng với số vốn đạt 2,17 tỷ USD, trong đó 50% dành cho phát triển mạng lưới và truyền tải.
Tuy nhiên đại diện ADB cũng nói rằng nhu cầu sử dụng điện năng của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh. Vì thế, để 100% hộ dân có điện vào năm 2020 cũng sẽ là một thách thức trong khi khả năng chi trả của các hộ gia đình thấp.
 
Bài toán cho 3% còn lại
 
Hiện nay trên toàn quốc vẫn còn 91 xã chưa được nối điện quốc gia, trong đó có 57 xã "trắng" về điện; 34 xã mới được cấp điện bằng các nguồn điện độc lập không kết nối lưới điện quốc gia; khoảng 550.000 hộ gia đình chưa được tiếp cận với điện...
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để giải "bài toán 3%" còn lại, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư.
Về vấn đề này, các chuyên gia trong hội nghị bày tỏ cần tiếp tục áp dụng phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ngoài việc sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2014-2020 để hỗ trợ cho việc đầu tư các chương trình theo cơ chế cụ thể thì cần vận động các nguồn tài trợ ODA.
Về phía các tổ chức nước ngoài, đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) cho biết KFW sẽ tìm các đối tác giàu kinh nghiệm để cùng phối hợp thực hiện. Trong tương lai, KFW sẽ hướng tới sự hợp tác cải tạo lưới điện, nâng cấp lưới điện, tăng khả năng cung ứng điện cho người dân nông thôn Việt Nam.
Đại diện ADB bày tỏ cần áp dụng chương trình cho vay ưu đãi trong hợp tác với Chính phủ Việt Nam và EVN để có phương thức thích hợp nhất nhằm đạt mục tiêu này.
Cùng với việc thu xếp nguồn vốn, công tác tổ chức thực hiện cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, từ kinh nghiệp điện khí hóa 15 năm qua, việc phân công trách nhiệm rõ ràng  giữa các cơ quan TW, các địa phương và sự chủ động của EVN sẽ là chìa khóa thành công.
 
 
 
 
Linh Đan
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An