Mong muốn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn 

(Chinhphu.vn) – 300 kiến nghị theo 8 nhóm vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được đề xuất để Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp tại Hà Nội ngày 28/4.
 
Từ quyết tâm của Chính phủ
 
Nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp, sau một thời gian phát triển chủ yếu theo chiều rộng, khi môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của cộng đồng doanh nghiệp đang bộc lộ ngày càng rõ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây rất lớn.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước Thông điệp của Thủ tướng và mục tiêu của Chính phủ với quyết tâm trong 2 năm 2014-2015 phải thực hiện cổ phần hóa hơn 432 doanh nghiệp Nhà nước và tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ra đời là những tín hiệu tích cực.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đang được khơi dậy từ kết quả bước đầu ổn định kinh tế vĩ  mô và động thái cải cách thể chế quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ.
Cụ thể, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu năng lực cạnh tranh của Việt Nam tới năm 2015 phải đạt mức trung bình trong ASEAN–6, là mức tiên tiến hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương phải soi vào tiêu chuẩn này để có thể cải cách thủ tục hành chính tốt hơn nữa.
Ở trong nước, Thủ tướng cũng đã lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá quá trình cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Nếu việc khảo sát, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương được thực hiện định kỳ, khoảng 3 tháng một lần thì đây là hai sức ép rất lớn để đổi mới, cải cách.
 
Đến những hỗ trợ cụ thể
 
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: Trong 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng Chính phủ được tóm lược thành 8 nhóm vấn đề. Trong đó, những giải pháp về thuế, phí, tín dụng có thể làm được ngay. Chẳng hạn, về chính sách tín dụng, các doanh nghiệp đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Lãi suất đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ vọng (đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi).

Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới  như: Cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng; phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp; mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp; khẩn trương đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quy đầu tư mạo hiểm, quỹ tiên phong…
Còn với chính sách tài khóa, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt. Theo phương châm này, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng.

Thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp có giảm bớt nhưng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp lại tăng cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do đó, cần rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tiến tới xây dựng Luật phí và lệ phí thống nhất.
Còn về tiền lương, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần tiếp tục giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm (2014-2015), với mức tăng được ấn định tối đa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, bảo đảm mức tăng tiền luơng phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có thể dự tính được để giảm bớt gánh nặng tăng chi phí quá nhanh cho doanh nghiệp.

Về khuôn khổ pháp lý, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.
Cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; chúng tôi đề nghị bỏ yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh đăng ký kinh doanh; bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư.
 
 
 
Huy Thắng
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An