Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 Quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước 

Quá trình thực hiện quản lý hoạt động mua sắm sử dụng nguồn lực của Nhà nước thời gian qua cho thấy, Luật đấu thầu năm 2005 đã bộc lộ những điểm bất cập, chưa bao quát hết phạm vi sử dụng vốn nhà nước trong thực tế, một số trường hợp còn quy định khá chung chung dẫn đến những cách hiểu và thực hiện khác nhau.  

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp, việc quản lý hiệu quả từng đồng vốn hiện có, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực là rất cần thiết.

 
Xác định rõ phạm vi sử dụng vốn nhà nước
 
Có thể nói, vấn đề quản lý vốn nhà nước chặt chẽ và hiệu quả là một trong nhựng nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi quốc gia, không phải riêng của một Bộ, ngành, địa phương hay một doanh nghiệp nào. Muốn quản lý được từng đồng vốn của Nhà nước bỏ ra, trước tiên phải xác định rõ phạm vi vốn nhà nước. Hiện có một thực tế là khái niệm vốn nhà nước được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Điều này dẫn đến việc quản lý chồng chéo, “dẫm lên chân” nhau, trong khi đó một số lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước lại bị bỏ ngỏ trong quản lý.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Luật đấu thầu năm 2013 đã được xây dựng với tư cách là luật chung, pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống luật pháp. Điều này thực sự cần thiết, phù hợp với yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, tránh tình trạng hiểu sai quy định hay cố tình lách luật như thời gian qua, Luật đấu thầu năm 2013 đã quy định rất rõ thế nào là “vốn nhà nước”. Theo khoản 44 Điều 4 Luật đấu thầu năm 2013, vốn nhà nước thuôc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu “bao gồm vốn ngân sách nhà nước, công trái quôc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất”.
Việc định nghịa rõ ràng và mạch lạc khái niệm “vốn nhà nước” trong Luật đấu thầu năm 2013 còn nhằm phân biệt với các khái niệm liên quan đến sử dụng nguồn vốn của Nhà nước như “vốn ngân sách nhà nước”, “vốn đầu tư công” trong các văn bản pháp luật khác đã được ban hành hay đang trong quá trình soạn thảo như Luật Ngân sách Nhà nước, Dự thảo Luật Đầu tư công… Theo đó, khái niệm “vốn nhà nước” trong Luật đấu thầu năm 2013 có tính chất bao trùm toàn bộ việc mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, có phạm vi rộng và bao quát hơn rất nhiều. Trong khi đó, vốn nhà nước trong Dự thảo Luật D(ầu tư công hay Luật Ngân sách nhà nước… chỉ khu biệt trong một phạm vi, một lĩnh vực nhất định.
 
Bịt “lỗ hổng’ trong quản lý sử dụng vốn nhà nước
 
Theo định nghịa khái niệm “vốn nhà nước” tại khoản 1 Điều 4 Luật đấu thầu năm 2005, “vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triền của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý”. Khái niệm “vốn nhà nước” được giải thích như vậy là còn khá chung chung, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt đâu là “các nguồn vốn khác do Nhà nước quản lý”.
Bên cạnh đó, Luật đấu thầu năm 2005 chỉ mới điều chỉnh các hoạt động đấu thầu để lực chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sau đây: “sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển”; “dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân”; “dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước”.
Những quy định này chưa đáp ứng hết yêu cầu quản lý hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước, chưa bao trùm hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Bởi vì, ngoài những hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước nêu trên, một số hoạt động khác sử dụng nguồn lực của Nhà nước phát sinh trong quá trình thực hiện lại chưa được điều chỉnh trong Luật, còn bị “bỏ ngỏ”, chẳng hạn như: các hoạt động mua sắm vì mục đích cung cấp dịch vụ công ích nhưng không hình thành dự án; hoạt động sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc thực hiện dự án ODA ở nước ngoài; hoạt động đấu thầu lực chọn nhà đầu tư dể thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); dự án sử dụng đất…
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, nghiên cứu để tiếp thu và đưa vào Luật đấu thầu năm 2013 và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lực chọn nhà thầu đang được trình Chính phủ thông qua. Đây là việc làm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Để có sự chuẩn bị kỹ càng và thuận lợi trong quá trình thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, các Bộ, ngành, địa phương cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần khẩn trương tích cực tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của Luật đấu thầu năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn ngay khi được Chính phủ thông qua.
 
 
 
Bích Thủy
Nguồn: Báo Đấu Thầu
Người biên: T.An