Nhiều điểm mới đột phá trong dự thảo Luật Đầu tư 

(Chinhphu.vn) - Sáng 4/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình Quốc hội Dự án Luật Đầu tư mới với nhiều sửa đổi quan trọng.

Dự thảo Luật nhận được sự tán thành cao của cơ quan thẩm tra của Quốc hội khi trực tiếp chỉ ra và khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật về đầu tư trong thời gian qua như: Phân định rạch ròi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư bên cạnh các đạo luật khác liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản... cũng như tạo sự phù hợp với một số điều ước quốc tế về đầu tư mà Chính phủ mới ký kết theo lộ trình trong thời qua.
Dự thảo cũng làm rõ các nội dung liên quan tới danh mục lĩnh vực cấm đầu tư; danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện; danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư;...

Một nội dung sửa đổi cũng được nhà đầu tư hoan nghênh là thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng quá rộng, bao gồm tất cả các dự án đầu tư nước ngoài và nhiều dự án đầu tư trong nước, trong đó có cả các dự án chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ thông thường và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Trong khi pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động này thì việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nêu trên vừa tạo thêm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, vừa dẫn đến trùng lặp trong hoạt động quản lý của nhà nước.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh tới việc sửa đổi những bất cập về quy định hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều vướng mắc do Luật không xác định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong doanh nghiệp và không quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thực hiện hoạt động này; các thủ tục triển khai dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án đầu tư, tạm ngừng, giãn tiến độ hoạt động, chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chuyển nhượng và thanh lý dự án đầu tư… 
Với 31 điều sửa đổi, bổ sung 9 điều mới và bỏ 31 điều, dự thảo Luật cũng hoàn thiện các quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư phù hợp với Hiến pháp, cụ thể hóa cam kết của nhà nước trong việc đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực ưu đãi đầu tư được bổ sung thêm các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm, cụ thể hóa tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Ngoài ưu đãi đầu tư theo ngành nghề và địa bàn, dự thảo bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp và hoạt động đầu tư  như chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn
Đặc biệt, dự luật bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thông báo dự án đầu tư gồm những nội dung cơ bản về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn dự án, tiến độ thực hiện.
Theo đánh giá, điều này không tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài và đổi mới được phương thức quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài từ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang cơ chế nhà đầu tư thông báo hoạt động đầu tư, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình và cơ quan quản lý thực hiện “hậu kiểm” cũng như xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Đa số nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành, nhất là các quy định về Nhà chức trách hàng không, về Thanh tra hàng không, vấn đề giá dịch vụ hàng không nhằm đạt mục tiêu tránh độc quyền, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng dịch vụ hàng không tốt, giá rẻ, vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay để tránh việc mở tràn lan, lãng phí nguồn lực; một số vấn đề về bảo đảm an ninh an toàn hàng không.
 
 
 
Nguyên Linh
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An