Đề xuất 2 phương án hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 
(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Luật văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đề xuất 2 phương án hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Ảnh minh họa
 
Theo Bộ Tư pháp, để bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thi hành hơn, phương án 1 được thiết kế theo hướng tiếp tục giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đơn giản hóa thẩm quyền ban hành văn bản của một số chủ thể và đơn giản hóa hình thức văn bản theo hướng mỗi chủ thể chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, về thẩm quyền ban hành văn bản: Trên cơ sở định nghĩa quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2 của dự thảo, phương án 1 dự kiến không quy định văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, cấp xã.
Bộ Tư pháp đưa ra 3 lý do cho đề xuất trên là: (1) Thực tế, thời gian qua cho thấy, lệnh và quyết định của Chủ tịch nước không phải là văn bản quy phạm pháp luật; (2) Theo quy định của Hiến pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, do vậy không nên giao các cơ quan này thẩm quyền ban hành văn bản; (3) Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, cấp xã là cơ quan chấp hành, tổ chức thi hành văn bản của cấp trên; hơn nữa, trong thời gian qua, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện và cấp xã được ban hành chủ yếu là sao chép lại văn bản của cấp trên.
Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật đã bỏ hình thức nghị quyết của Quốc hội; nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh của Chủ tịch nước; chỉ thị của UBND. Đồng thời, bỏ một số hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan. Theo Bộ Tư pháp, lý do là vì căn cứ vào tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ…, thì mỗi cơ quan đều được phân công phụ trách một số lĩnh vực nhất định, nên bất kỳ một vấn đề nào cũng có một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Do đó, khi cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một vấn đề thì về nguyên tắc đều có thể xác định được cơ quan chịu trách nhiệm. Đối với trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan thì nên giao một cơ quan ban hành và trước khi ban hành cần thống nhất ý kiến với các cơ quan liên quan hoặc đối với thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh...
Riêng đối với hình thức nghị quyết liên tịch của tổ chức chính trị xã hội với cơ quan nhà nước (hình thức văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị – xã hội), mặc dù Luật hiện hành có quy định nhưng theo thông lệ quốc tế thì không còn nước nào duy trì loại thẩm quyền này. Văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù, thuộc thẩm quyền riêng của cơ quan nhà nước và có tính bắt buộc thi hành. Đây là một trong những công cụ quan trọng, không thể thiếu để thực hiện quản lý nhà nước, trong khi đó, về mặt nguyên tắc, các tổ chức xã hội, kể cả tổ chức chính trị - xã hội đều không thực hiện quản lý nhà nước. Cho nên, Bộ Tư pháp cho rằng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nên loại bỏ hình thức văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa cơ quan nhà nước với tổ chức chính trị - xã hội.

Như vậy, ở phương án 1, Bộ Tư pháp đề xuất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: 1- Hiến pháp; 2- Luật; 3- Pháp lệnh; 4- Nghị định; 5- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 7- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 8- Quyết định của UBND cấp tỉnh.
Phương án 2 Bộ Tư pháp đề xuất cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành, chỉ bỏ hình thức nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và chỉ thị của UBND.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
 
 
 
Tuệ Văn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An