(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, Bộ Tư pháp đề xuất thay đổi thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Ảnh minh họa
Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của Nghị định số
75/2000/NĐ-CP thì việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Như vậy, ngoài các tổ chức hành nghề công chứng, đối với những địa bàn chưa chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND sang các tổ chức hành nghề công chứng thì UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc định giá tài sản là rất khó khăn, hầu hết phụ thuộc vào việc khai nhận của người mua, bán tài sản.
Bên cạnh đó, có rất nhiều các giao dịch liên quan đến động sản có giá trị thấp, giao dịch không phức tạp, thân nhân người tham gia giao dịch rõ ràng, tần suất thực hiện giao dịch cao (ti vi, điện thoại đắt tiền ...) là đối tượng giao dịch thường xuyên thì người dân vẫn phải đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp huyện thực hiện hợp đồng, giao dịch. Thực trạng này vừa gây phiền hà, tốn kém (tăng chi phí, thời gian đi lại), vừa không phù hợp tính chất của giao dịch.
Chính vì vậy, đối với việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, tại Điều 5 dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp đề xuất giao thẩm quyền cho Phòng Tư pháp (thay vì quy định hiện hành là UBND cấp huyện).
Đối với việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản, dự thảo Nghị định giao Phòng Tư pháp và UBND cấp xã cùng có thẩm quyền chứng thực. Tuy nhiên, việc phân định thẩm quyền giữa Phòng Tư pháp và UBND cấp xã không căn cứ vào giá trị tài sản mà căn cứ vào loại tài sản đó có phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hay không.
Cụ thể, Điều 5 của dự thảo quy định: Phòng Tư pháp có thẩm quyền và trách nhiệm: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; giấy tờ, văn bản song ngữ và giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; giấy tờ, văn bản song ngữ và giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, mà tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; Chứng thực các hợp đồng về nhà ở tại đô thị theo quy định của Luật Nhà ở…
UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, mà tài sản đó không phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; Chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở tại nông thôn theo quy định của Luật Nhà ở; Chứng thực di chúc; Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản...
Theo Bộ Tư pháp, để đưa hoạt động chứng thực về đúng bản chất (chỉ chứng thực về hình thức) của hợp đồng, giao dịch, Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch như sau: “Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh thời điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu chứng thực và ý chí tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.
|
Tuệ Văn
Người đăng: T.An