Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước: TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC 
Tại cuộc Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước”, do CLB trí thức thuộc Liên hiệp các hội KH&KT tổ chức, đại diện chính quyền các xã nông thôn mới (NTM) đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập trong xây dựng NTM. Các đại biểu cho rằng những khó khăn, bất cập hiện nay cần sớm có sự phối hợp để tháo gỡ.

Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước”

Phóng viên Tạp chí Khoa học thời đại ghi lại những trăn trở, bức xúc của những người trong cuộc.
 
Ông Võ Văn Quốc – Chủ tịch xã Thanh Lương, thị xã Bình Long
 
Ông Võ Văn Quốc – Chủ tịch xã Thanh Lương, thị xã Bình Long: “Các tiêu chí không phù hợp sẽ khó xây dựng nông thôn mới”
 
Hiện nay chúng ta có 19 tiêu chí để xây dựng NTM. Tuy nhiên, qua thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều tiêu ch1i khó đạt được, bởi không khả thi với nhiều địa phương. Quá trình xây dựng NTM, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Do đó, nếu cứ áp theo “chuẩn chung” trong cả nước thì e là khó đạt.
Tôi lấy ví dụ: tiêu chí về văn hóa, nếu đạt tiêu chí này xã phải có 70% số ấp đạt ấp văn hóa trong 5 năm liền. Còn đối với tiêu chí an ninh – trật tự, trong đó yêu cầu không để xảy ra tệ nạn xã hội, liệu chúng ta có thể thực hiện được hay không? Xã hội thì luôn vận động phát triển, bên cạnh cái hay, cái tốt, cũng phải có chuyện này, chuyện kia. Chúng ta cố gắng ngăn ngừa, hạn chế, chứ bảo rằng đừng để nó xảy ra thì không ai dám chắc sẽ làm được. Tôi cho rằng 2 tiêu chí này rất khó thực hiện và chúng ta sẽ không làm được.
 
Ông Phạm Đình Tùng – Phó Chủ tịch xã Minh Thành, huyện Chơn Thành
 
Ông Phạm Đình Tùng – Phó Chủ tịch xã Minh Thành, huyện Chơn Thành: “Loay hoay mãi chưa tìm được mô hình canh tác phù hợp”
 
Chương trình NTM đã triển khai được 4 năm rồi mà ở xã Minh Thành chúng tôi còn ngổn ngang nhiều thứ lắm. Theo kế hoạch xây dựng do xã thiết lập thì cần phài có nguồn vốn trên 90 tỷ, nhưng đến thời điểm này tỉnh chỉ mới cấp được hơn 10 tỷ. Với khối lượng công việc nhiều, cái gì cũng cần tiền mà nguồn vốn rót về cho địa phương vừa thiếu, vừa không kịp thời thì sao có thẻ làm được. Có nhiều vấn đề chúng tôi thấy rất lúng túng nhưng khi cần lại thiếu sự hướng dẫn cụ thể từ từng ngành, từng cấp.
Nói thật lòng, hơn 80% người dân ở xã Minh Thành sống bằng nghề nông nghiệp, vậy mà từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi vẫn không có một mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững. Cũng chưa có ai hướng dẫn chúng tôi phải làm thế này, thế kia. Đến giờ này xã chúng tôi vẫn chưa có gì đổi mới, chúng tôi vẩn còn đang loay hoay không biết nên nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp để nông dân có thể ổn đĩnh về kinh tế. Sản xuất nông nghiệp ở địa phương nhìn chung vẫn còn thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, liên kết lỏng lẻo… Chúng tôi rất mong có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chứ tự thân xã chúng tôi một mình “bơi” sao nổi!
 
Ông Nguyễn Chí Thường – Chủ tịch xã Tân Phước, huyện Đồng Phú
 
Ông Nguyễn Chí Thường – Chủ tịch xã Tân Phước, huyện Đồng Phú: Có khó khăn nhưng xin đừng đổ lỗi hết cho … xã !
 
Hiện nay, xã Tân Phước đã đạt được 5/19 tiêu chí và chúng tôi vẫn phải nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ đạt thêm 2 tiêu chí. Nhưng nói thật là chúng tôi đang gặp khó khăn nhiều về nguồn vốn, hoặc ít vốn, dễ làm cũng đã thực hiện gần hết rồi, còn lại đa số là các tiêu chí cần nhiều vốn, khó làm.
Tôi lấy ví dụ như việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Trên địa bàn xã hiện nay có rất nhiều tuyến đường nông thôn đã được quy hoạch, nhưng hiện vẫn phải chờ kinh phí từ cấp trên hỗ trợ, bởi ngân sách của địa phương quá eo hẹp, không thực hiện được bao nhiêu, nguồn lực trong dân thì khó huy động. Nhiều đồng chí cứ bảo rằng cấp xã thiếu năng động, không biết tổ chức nên triển khai chậm. Đúng là cũng có thực tế này, nhưng cái khó từ nhiều phía, cần phải phối hợp trên dưới để giải quyết, xin đừng đổ lỗi hết cho xã.
 
 
 
 
Nhóm Phóng viên Kinh tế - Xã hội
Nguồn: Tạp chí Khoa Học Thời Đại
Người biên: T.An