Luật Đất đai 2013: Khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan 

(Chinhphu.vn) - Những băn khoăn, thắc mắc của người dân, DN về những điểm mới của Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, về hoạt động thuê đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải đáp trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 6/7.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

Thưa Bộ trưởng, nhiều chủ dự án ở các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Long An có thắc mắc là hồ sơ đăng ký thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất của họ đã bị dừng lại nhiều tháng nay để chờ hướng dẫn thực thi Luật Đất đai 2013. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về quản lý đất đai, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các nhiệm vụ, công việc như thể nào để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống? 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành Chỉ thị, trong đó giao cho các bộ, ngành, địa phương các công việc để triển khai Luật Đất đai 2013 theo đúng thời gian hiệu lực. Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến pháp luật, làm thế nào để người dân và doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt Luật này. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 5 Nghị định. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao soạn thảo 10 Thông tư, về cơ bản đã hoàn thành và ban hành.
Một trong những vấn đề được người dân hết sức quan tâm là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bộ trưởng có thể nêu rõ những thay đổi trong quy định về thu hồi đất, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thứ nhất, Luật quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (quy định tại Điều 61 của Luật) hoặc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tại Điều 62). Các quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, thu hẹp hơn đối tượng thu hồi, khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian vừa qua.
Thứ hai là quy định cụ thể về điều kiện bồi thường, tách bạch giữa khoản bồi thường và hỗ trợ.
Thứ ba là áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định bồi thường, tất nhiên giá đất này được tính toán với sự tham gia của tư vấn về giá đất sẽ đảm bảo tính khách quan hơn.
Thứ tư, Luật quy định việc tái định cư phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng miền.
Quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư phải trong cùng một ngày là một quy định rất mới.
Nhiều hộ dân ở TPHCM phản ánh việc UBND Thành phố vừa ra quyết định thu hồi đất, vừa xác định giá đất liệu có đảm bảo tính khách quan không vì giá đền bù quá thấp so với giá thị trường? Đề nghị Bộ trưởng lý giải kỹ vấn đề này trong Luật Đất đai 2013?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Vừa ra quyết định thu hồi đất, vừa xác định giá đất, tôi không nói là không khách quan nhưng so với quy trình theo quy định của pháp luật là chưa đúng. Vì vậy, các quận, huyện nói trên phải theo quy định của pháp luật.
Vấn đề định lượng giá đất để sát với giá thị trường lần này nguyên tắc xác định tương đối rõ. Cụ thể, khung giá, bảng giá được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần, và trong quá trình biến đổi của giá thị trường thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ khi giá thị trường tăng thêm 20% so với mức giá tối đa hoặc thấp hơn 20% so với mức giá tối thiểu trong bảng giá thì sẽ có điều chỉnh khung giá.
Trong số những điểm khác biệt mà Bộ trưởng đã nêu có vấn đề thu hẹp diện tích đất bị thu hồi, vì vậy nhiều nhà đầu tư lo lắng về cơ hội tiếp cận đất đai. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may băn khoăn: “Nguồn nhân lực của ngành dệt may ở các thành phố lớn hiện đang rất khan hiếm, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc đưa nhà máy về các vùng nông thôn nơi có sẵn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc đền bù giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn hơn nhiều do Luật Đất đai 2013 quy định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân để chuyển quyền sử dụng đất". Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tôi rất chia sẻ với các DN và cả các địa phương vốn rất muốn thu hút đầu tư. Tuy nhiên, về vấn đề thu hồi đất không thể làm dễ dãi như thời gian trước, đây là một bài học chúng ta phải khắc phục.
Nhưng các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm vì Luật Đất đai 2013 cũng có những quy định tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đất để thực hiện các dự án của mình. Trước hết, Luật quy định cơ chế Nhà nước thu hồi, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư tham gia đấu giá với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Luật cũng quy định thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và thuê quyền sử dụng đất của người sử dụng đất có mặt bằng để thực hiện dự án.
Hiện nay cả nước có 102.000 ha đất ở các khu công nghiệp nhưng chỉ mới được lấp đầy 60%, và trong quy hoạch đến năm 2020 chúng ta còn khoảng 200.000 ha. Đây là điều kiện, cơ hội để các nhà đầu tư triển khai dự án trong các khu công nghiệp.
Nhiều câu hỏi của nhân dân ở các thành phố lớn phản ánh tình trạng nhiều khu đất vàng không được sử dụng đúng mục đích, chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, vừa mất mỹ quan, vừa gây tâm lý bức xúc trong nhân dân. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong Luật Đất đai 2013?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Cả nước đã xử lý, thu hồi gần 20.000 ha. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn vì diện tích cần thu hồi do chậm tiến độ khá lớn. Một số địa phương làm chưa kiên quyết do e ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình xử lý bị vướng mắc ở khâu tính toán giá trị phần đầu tư trên đất còn lại khiến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai 2013 đã có một chế tài mạnh đối với các nhà đầu tư trong quá trình xem xét thuê đất rất cụ thể. Luật cho phép nhà đầu tư chậm tiến độ so với quy định là 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng, nhà đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất, không bồi thường về đất cũng như giá trị đã đầu tư trên đất.
Luật cũng đưa ra các quy định ngăn ngừa phát sinh việc chậm đưa đất vào sử dụng như đã nêu ở trên. Thứ nhất là việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng dất phải theo kế hoạch hằng năm vì phụ thuộc vào khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương. Thứ hai là quy định điều kiện để các doanh nghiệp được giao và thuê đất thực hiện các dự án đầu tư như: Phải có năng lực tài chính; phải ký quỹ theo quy định pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định  pháp luật trong thực hiện các dự án trước đây. Có quy định như vậy các nhà đầu tư mới có trách nhiệm.
 
 
 
Minh Khôi
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An