Ngân sách 6 tháng đầu năm: Thu tăng, chi giảm 

(Chinhphu.vn) - Ước tính 6 tháng đầu năm 2014,tổng thu ngân sách khoảng 411,2 nghìn tỷ đồng (đạt gần 52,6% dự toán); tổng chi khoảng 490,3 nghìn tỷ đồng (48,7% dự toán); bội chi khoảng 79,1 nghìn tỷ đồng (35,3% dự toán).

Kết quả tích cực của thu-chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2014 được nhận diện dưới một số góc độ khác nhau.
Sau nửa năm, tổng thu ngân sách đã đạt 52,6% dự toán cả năm là một cố gắng, là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt và vượt dự toán mà Quốc hội đã duyệt, không đến mức phải phấn đấu quyết liệt đến những ngày cuối cùng của năm mới thực hiện được như năm trước.
Tỷ lệ thực hiện dự toán cả năm đến 15/6 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Việc vượt trên một nửa chỉ tiêu theo dự toán cả năm đã đạt được ở một số khoản thu lớn nhất, quan trọng nhất, như thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân. Cơ cấu tổng thu đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển từ nguồn thu từ ngoài Nhà nước (bán dầu thô, thu xuất nhập khẩu) sang nguồn thu nội địa. Nếu năm 2005 mới chiếm 52,5%, thì năm 2010 chiếm 64,1%, năm 2013 chiếm 67% và 6 tháng đầu năm chiếm 68,1%.
Một số khoản thu có khả năng cũng sẽ hoàn thành được dự toán cả năm, bởi 6 tháng (tính đủ) thực hiện đạt gần một nửa, như thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Đáng chú ý, với tỷ lệ 24,6% so với GDP, dù cao hơn định hướng gần đây, nhưng tổng thu 6 tháng đầu năm đã giảm xuống nhiều so với những năm trước (2005 đạt 25%, 2010 đạt 27,3%, 2011 đạt 26%), thể hiện chủ trương “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”. Điều này cũng gợi lên vấn đề là cần làm cho “chiếc bánh GDP” to ra thì dù tỷ lệ thu/GDP không cao (tức là vẫn “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”), nhưng quy mô tuyệt đối từng phần của các chủ thể (kể cả phần Nhà nước) sẽ tăng lên.
Tỷ lệ so với dự toán cả năm của khoản chi trả nợ, viện trợ cao hơn của tổng chi, của chi đầu tư và của chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể. Điều đó chứng tỏ việc thực hiện cam kết chi trả nợ, viện trợ đã được quan tâm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong thu, chi ngân sách hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết bằng nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ.
GDP là hiệu quả, cần làm cho chiếc bánh này to ra, trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí trung gian, nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu. GDP to ra thì không cần tăng tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách Nhà nước, nhưng quy mô thu ngân sách, thu nội địa vẫn có thể tăng lên về mặt tuyệt đối. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao tốc độ tăng trưởng, đạt cho được tốc độ tăng theo kế hoạch năm nay (5,8%) và số dự kiến 6-6,2% như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch năm 2015.
Chuyển dịch nhanh hơn nữa cơ cấu thu ngân sách, tăng thu nội địa, giảm tỷ trọng thu từ dầu thô (6 tháng chiếm 12,8%, cao hơn tỷ trọng 10,9% của dự toán cả năm), tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (6 tháng chiếm 18,7%, thấp hơn tỷ trọng 19,7% của dự toán cả năm); cộng 2 khoản này là 31,5%, cao hơn tỷ trọng 30,6% của dự toán cả năm. Trong khi các khoản này không trực tiếp là hiệu quả của nền kinh tế, không bền vững, có xu hướng giảm cùng với chủ trương tiết kiệm tài nguyên và thực hiện cam kết hội nhập.
Tích cực hơn nữa trong việc chống nợ đọng, thất thu do trốn thuế, gian lận thương mại, chuyển giá…
Tiết kiệm chi, chống lãng phí, thất thoát, nhất là tình trạng tham nhũng; rà soát chặt chẽ tổ chức, biên chế hành chính của sự nghiệp trong điều kiện cơ chế thị trường, rà soát việc phân cấp, việc tách đơn vị hành chính…
 
 
Minh Ngọc
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An