Khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu năm 2013) có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2014), nhiều nhà thầu băn khoăn nếu chưa đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn thì có được tham dự thầu không?
Tính đến chiều ngày 14/7/2014, cả nước đã có 15.544 đơn vị (gồm cả nhà thầu và bên mời thầu) đăng ký thông tin trên Hệ thống,
trong đó có 10.110 đơn vị (gồm 7.484 bên mời thầu và 2.626 nhà thầu) đã được phê duyệt hồ sơ đăng ký thông tin
Ảnh: Tất Tiên
Đăng ký thông tin nhà thầu là bắt buộc
Theo các điều kiện quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013, nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có quy định “đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”. Điểm e Khoản 2 Điều 22 của Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ: “Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu”. Trách nhiệm này của nhà thầu được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 128 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 (Nghị định 63).
Việc đăng ký thông tin nhà thầu mang lại nhiều lợi ích, đồng thời khắc phục nhiều bất cập trong thực tế hiện nay. Trước tiên là đối với cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua việc đăng ký thông tin về nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu sẽ có dữ liệu khá đầy đủ, cập nhật và có hệ thống để quản lý nhà thầu xuyên suốt và thống nhất trên cả nước.
Bên cạnh việc đăng ký thông tin, nhà thầu còn phải thường xuyên cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình trên Hệ thống (Điểm b Khoản 1 Điều 128 Nghị định 63). Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là lợi thế của chính nhà thầu. Bởi vì, căn cứ vào cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cập nhật công khai trên Hệ thống như: bảo đảm tiến độ cung cấp hàng hóa hay thi công, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng trước đó…, chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ đưa ra những lựa chọn chính xác và phù hợp. Mặt khác, việc công khai thông tin còn giúp những nhà thầu làm ăn chân chính khẳng định sự minh bạch và hoạt động lành mạnh của mình, từ đó nâng tính cạnh tranh cho chính bản thân mình. Hơn nữa, việc công khai thông tin còn có tác dụng “lật tẩy” và ngăn chặn những nhà thầu có ý đồ gian dối, thiếu trung thực.
Trong quá trình soạn thảo Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng và e ngại rằng, liệu những thông tin mà nhà thầu tự cung cấp và cập nhật đó có chính xác và trung thực hay không, nếu nhà thầu không trung thực thì phải xử lý như thế nào?
Trên thực tế, nhiều nhà thầu đã nhận thức được tầm quan trọng của việc
đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Ảnh: Tất Tiên
Giải tỏa sự băn khoăn này, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rất rõ tại Khoản 3 Điều 80. Theo đó, nhà thầu, nhà đầu tư phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình”. Mặt khác, việc đăng tải thông tin công khai cũng đem lại những lợi ích đáng kể. Một khi thông tin được công khai trên Hệ thống, với tốc độ lan tỏa của Internet thì bất cứ ai cũng có thể vào xem, tra cứu và giám sát.
Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, việc giám sát sự trung thực và chính xác thông tin mà nhà thầu cung cấp một cách tốt nhất chính là những nhà thầu, nhà đầu tư khác và cộng đồng. Ngoài ra, thông qua công cụ này, cộng đồng cũng sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ, thường xuyên những thông tin mà nhà thầu kê khai, không chỉ trong quá trình tham dự thầu mà ngay cả khi đã trúng thầu, hoàn tất công trình. Trách nhiệm của nhà thầu vì thế cũng được nâng cao hơn. Thực tế này ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, EU… đã được kiểm nghiệm.
Thực hiện theo lộ trình
Rõ ràng, việc đăng ký thông tin nhà thầu là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, để có quá trình hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống, đồng thời để cho nhà thầu có thời gian trang bị hạ tầng về công nghệ thông tin phù hợp, Nghị định 63 đã quy định theo hướng mở, với lộ trình áp dụng và hướng dẫn thực hiện sẽ được Bộ KH&ĐT quy định.
Do đó, nhà thầu không quá lo lắng vì chưa kịp đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 và Nghị định 63 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2014.
Thế nhưng, nếu quá ỷ lại vào thời gian, đợi đến lúc áp dụng chính thức thì mới triển khai thì e rằng, nhà thầu sẽ vấp phải sự lúng túng khi thực hiện. Nếu chỉ vì lỗi đăng ký thông tin, hay cách thao tác chưa thuần thục mà tuột mất những cơ hội tham dự thầu quý báu của mình thì quả thật rất đáng tiếc.
Trên thực tế, nhiều nhà thầu đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này từ rất sớm và họ đã nhanh chóng đăng ký thông tin và chứng thư số trên Hệ thống.
Theo số liệu thống kê cập nhật trên Hệ thống đấu thầu điện tử tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, tính đến ngày 14/7/2014, cả nước đã có 15.544 đơn vị (gồm cả nhà thầu và bên mời thầu) đăng ký thông tin trên Hệ thống, trong đó có 10.110 đơn vị (gồm 7.484 bên mời thầu và 2.626 nhà thầu) đã được phê duyệt hồ sơ đăng ký thông tin.
Có thể nói, sự nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội kịp thời là một trong những yếu tố làm nên thành công của một nhà thầu, một doanh nghiệp trong bối cảnh mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là trong “sân chơi” đấu thầu.
Bích Thủy
Người đăng: T.An