(Chinhphu.vn) – Lãnh đạo Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ khẩn trương rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết tạo thuận lợi tối đa cho DN trong sản xuất, kinh doanh.
Cam kết trên được đưa ra tạiHội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ngày 31/7.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định Nghị quyết 19 tạo điều kiện để DN giảm chi phí, rủi ro, tăng độ an toàn và minh bạch đối với hoạt động kinh doanh. Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ, giảm được rủi ro thương mại, rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp từ đó giúp cho chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng lên 50 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, từ 109 lên khoảng bậc 60; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng từ bậc 157 hiện nay lên gần bậc 40.
Tuy nhiên, hiện còn một số chỉ số tác động mạnh đến môi trường kinh doanh đó là chỉ số nộp thuế, tiếp cận điện năng và đặc biệt là kinh doanh qua biên giới.
Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính phấn đấu giảm 354 giờ làm thủ tục thuế.
Hiện cơ quan này đang tập trung sửa đổi một số thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục. Cụ thể, sẽ phải sửa nhiều về chuẩn mực kế toán, về thuế, sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai; sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý. Dù kết hợp nhiều giải pháp trên, thì mục tiêu giảm số giờ làm thủ tục thuế của doanh nghiệp xuống 171 giờ vào cuối năm 2015 vẫn là một thách thức lớn.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng lưu ý, việc cải cách chính sách cũng phải tính đến vấn đề phải đảm bảo tính bền vững, cần phải tính đến thời điểm hội nhập sau năm 2015, bởi đến lúc đó, nhiều nước lại tiếp tục thay đổi, cải cách với những tiêu chuẩn mới (cao hơn) thì Việt Nam càng phải nỗ lực cải cách để đảm bảo môi trường cạnh tranh.
Về những vướng mắc, chậm trễ trong lĩnh vực hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, những vướng mắc liên quan trực tiếp đến hải quan chỉ chiếm 28%, trong khi 72% những vấn đề liên quan mất thời gian nhiều nhất hiện nay đó là kinh doanh cảng, năng lực bốc xếp, bố trí hàng khoa học, năng lực tàu… Hướng giải quyết là cần cải tiến các phần mềm để các đơn vị tích hợp sử dụng một cửa để DN sử dụng chứng từ điện tử, gồm DN vận tải, đại lý vận tải và DN xuất nhập khẩu…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh khẳng định cơ quan này đã thực hiện rà soát 110 thủ tục, trong đó có 10 thủ tục liên quan đến DN để tiếp tục cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ phần mềm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm chuyên trách với DN và thực hiện mở rộng khai báo điện tử ở các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Trong khi đó, để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của DN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục để thực hiện 3 tiêu chí: Giảm chi phí, rút ngắn thời gian, làm thủ tục ngắn nhất.Đại điện tập đoàn này khẳng định mục tiêu rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các DN, dự án đầu tư xuống còn tối đa 70 ngày là có thể thực hiện được.
Nghị quyết số 19 đã cụ thể hóa năng lực cạnh tranh thành những chỉ tiêu định lượng rõ ràng và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan cụ thể. Riêng với ngành Tài chính, đó là giảm thời gian thông quan xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp về mức 13-14 ngày (hiện ở mức 21 ngày), rút ngắn thời gian nộp thuế về mức 171 giờ mỗi năm (hiện là 876 giờ).
Anh Minh
Người đăng: T.An