Thông tin văn bản mới đáng quan tâm 
(CTTĐTBP) – Tuần qua, nhiều văn bản nổi bật đã được ban hành.

 
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, trong định hướng kế hoạch có một số nội dung chủ yếu đáng chú ý sau:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2016 – 2020) tăng 6,5 - 7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm. 
- Tập trung giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động.
- Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, DN nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Xem thêm các quy định về xây dựng kế hoạch tại nội dung Chỉ thị.

Hướng dẫn áp dụng hình thức kỷ luật lao động sa thải

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn 2825/LĐTBXH-LĐTL ngày 6/8/2014 hướng dẫn Luật lao động về các vấn đề sa thải, giao kết hợp đồng lao động với người cao tuổi và thời gian thử việc.

Theo công văn, trường hợp người lao động (NLĐ) có hành vi đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích người sử dụng lao động (NSDLĐ) và hành vi đó được quy định với mức kỷ luật sa thải trong nội quy lao động của DN thì NSDLĐ có thể áp dụng hình thức kỷ luật lao động sa thải.

Công văn còn hướng dẫn về lao động sau tuổi nghỉ hưu: Hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động nếu có nhu cầu và nguyện vọng; nếu NLĐ không có đủ sức khỏe hoặc NSDLĐ không có nhu cầu thì hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa ngành sư phạm

Từ ngày 7/8/2014, các trường: Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội II, Đại học Trà Vinh, Đại học Đồng Tháp sẽ phải tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Các cơ sở giáo dục đại học trên tiến hành làm báo cáo đánh giá tổng kết và kết quả rà soát đào tạo từ xa các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học) trước ngày 31/12/2014.

Đó là quy định tại Quyết định 2833/QĐ-BGDĐT ngày 7/8/2014.

Xác định chi phí ngừng và cấp điện trở lại

Từ ngày 25/9/2014, Chi phí ngừng và cấp điện trở lại được tính theo công thức sau:

Chi phí ngừng và cấp điện trở lại = (Chi phí nhân công + Chi phí đi lại) x k x n

- Chi phí nhân công tính theo các yếu tố: lương tối thiểu vùng bình quân cho 1 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp.
- Chi phí đi lại được xác định theo khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện ngừng và cấp điện trở lại đến địa điểm thực hiện ngừng và cấp điện trở lại.
- k: hệ số điều chỉnh theo khoảng cách.
- n: hệ số điều chỉnh theo vùng miền.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán cụ thể mức chi phí theo quy định tại Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định, trình Bộ Công thương ban hành Quyết định quy định mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại.

Thông tư 25/2014/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/9/2014./.
 
 
 
TT.TH-CB
Người đăng: T.An