VIỆC CHI TIÊU CỦA BÁC HỒ 
 
Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:

 
- Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên …
 
Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:
 
- Đấy, có trông thấy rách nữa đâu…
 
Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không an, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, tôi nói:
 
- Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý…
 
Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ “khiếp vía”, hối hận mãi.
 
Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ, chiến sĩ công tác quanh Bác thường nhận xét).
 
Thực tế lịch sử cho thấy rằng: suốt cuộc đời hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào, chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè xẻn, cân nhắc từng xu. Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng mình (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và 2 đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc”.
 
Tự thết đãi mình “khi nghe tin Hồng quân bắt sống 33 vạn quân Hítle ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù, trong túi chỉ còn vẻn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sauk hi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác “ngồi một mình, chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”…
 
Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diễm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.
 
Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu, sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: chắt chiu, tần tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.
 
Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam, đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thêm thứ nhất?

 

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

(Trích trong 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)

Người biên: T.An