Đó là chia sẻ của bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM với phóng viên Báo Đấu thầu về những quy định mới của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định 63). Theo bà Huyền, với Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63, Bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ tham gia đầy đủ các công đoạn trong đấu thầu thuốc, phát huy vai trò của cơ quan giám sát, chi trả quỹ bảo hiểm đối với mặt hàng thuốc và vật tư y tế.
Phóng viên (PV): Theo bà, việc đưa nội dung đấu thầu thuốc thành một mục riêng với những quy định rất cụ thể trong Luật Đấu thầu 2013 có tác động tích cực như thế nào đến công tác đấu thầu thuốc?
Bà Lưu Thị Thanh Huyền:
Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63, nội dung đấu thầu thuốc đã trở thành một mục riêng với những quy định rất cụ thể. Tất cả các nội dung mới này theo đánh giá của chúng tôi là những nỗ lực giúp giá thuốc minh bạch hơn. Đây là đột phá lớn của Luật Đấu thầu 2013 cũng như các văn bản hướng dẫn nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu thuốc. Chưa kể, thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, giá thuốc sau đấu thầu không chỉ liên quan đến việc chi trả của cơ quan bảo hiểm (ngân sách) mà còn là túi tiền của người dân, đặc biệt là người nghèo. Do đó, khi có một khung pháp lý đầy đủ với những quy định chi tiết về đấu thầu thuốc thì sẽ tác động rất tích cực đến toàn bộ công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên toàn quốc.
Khi có một khung pháp lý đầy đủ với những quy định chi tiết về đấu thầu thuốc thì sẽ tác động rất tích cực đến toàn bộ công tác đấu thầu thuốc
PV: Trong các quy định về đấu thầu thuốc tại Nghị định 63, một đột phá mạnh mẽ là sự tham gia của cơ quan bảo hiểm vào quá trình tổ chức đấu thầu thuốc. Bà đánh giá như thế nào về quy định mới này?
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM Lưu Thị Thanh Huyền: “Cùng một loại hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ khác tên thương mại do trong nước sản xuất nhưng thuốc khi trúng thầu vào bệnh viện lại chênh lệch giá đến mức khó tin. Cụ thể, cùng một loại thuốc dùng trong điều trị hạ sốt có hoạt chất phổ biến do hàng chục công ty trong nước sản xuất với các tên gọi khác nhau nhưng giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện lại chênh nhau từ vài chục đồng đến mấy ngàn đồng/viên. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy, hay là để được đưa thuốc vào mỗi bệnh viện, các nhà cung cấp đã “đi đêm” với bên mời thầu, chủ đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau như “lobby”, chia hoa hồng...,… nên mới sinh ra “bệnh” như vậy? Phải thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu 2013, tăng cường đấu thầu thuốc tập trung và quyết liệt tạo nên sự cạnh tranh về giá, về chất lượng để góp phần giảm bớt tình trạng này.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền:
Chúng ta đều biết rằng, việc Bảo hiểm xã hội tham gia vào tổ chức đấu thầu thuốc một mặt góp phần giảm chi phí về thuốc, lựa chọn được các mặt hàng thuốc với mức giá hợp lý, vật tư y tế có chất lượng, mặt khác cũng lựa chọn được những nhà cung cấp đủ năng lực trong lĩnh vực này.
Việc tham gia của Bảo hiểm xã hội đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC thì cơ quan bảo hiểm tham gia vào 3 giai đoạn của công tác đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63, Bảo hiểm xã hội sẽ tham gia nhiều hơn vào các công đoạn của công tác đấu thầu thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc Bảo hiểm xã hội sẽ phát huy được nhiều hơn vai trò của mình trong việc lựa chọn được giá thuốc thực sự cạnh tranh, minh bạch, giúp người dân mua thuốc tiết kiệm hơn.
PV: Được biết, cơ quan bảo hiểm đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia vào công tác đấu thầu thuốc trên phạm vi rộng như: Đào tạo, tập huấn, chuẩn bị nhân sự... Bà có thể chia sẻ về những chuẩn bị cụ thể của Bảo hiểm xã hội TP.HCM để hoàn thành tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới?
Bà Lưu Thị Thanh Huyền:
Cơ quan Bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội TP.HCM đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tham gia của mình vào công tác đấu thầu thuốc ngày càng hiệu quả hơn, phát huy vai trò được giao. Hiện Bảo hiểm xã hội TP.HCM đang triển khai theo hình thức đấu thầu thuốc tập trung, một trung tâm mua sắm thuốc quy mô lớn. Trong quá trình thực hiện, bảo hiểm xã hội TP.HCM đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm do phối hợp tham gia cùng Sở Y tế TP.HCM. Điều này càng có ý nghĩa khi quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63 có hiệu lực, Bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ tham gia nhiều hơn vào công tác đấu thầu thuốc bên cạnh ngành y tế. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về đấu thầu, được cấp chứng chỉ, không ngừng cập nhật các quy định mới về đấu thầu thuốc và vật tư y tế.
PV: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi này !
Bài và ảnh: V. Huyền
Người đăng: T.An