Tiềm năng thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tốt hơn nữa của Việt Nam còn rất lớn. Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao đạo đức cán bộ công vụ là rất cần thiết nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho Việt Nam.
Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về sự hài lòng của DN khi hoạt động tại các tỉnh/thành ghi nhận,
cộng đồng DN luôn đánh giá lĩnh vực đăng ký thành lập DN xếp thứ nhất so với các lĩnh vực khác Ảnh: Tất Tiên
Ý kiến trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng ngày 10/9 về cải cách TTHC trong thành lập, giải thể doanh nghiệp (DN) và thực hiện hoạt động đầu tư.
Ghi nhận nhiều kết quả quan trọng
Thông tin tại Buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong thời gian qua, công tác đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đã đạt được những kết quả tích cực. Luật DN 2005, Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP và đặc biệt là Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN đã tạo nên những bước đột phá trong cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, DN thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN. Theo đó, để thiết lập cơ chế liên thông một cửa trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục thành lập DN, từ năm 2007, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an thực hiện thủ tục ĐKKD, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu theo cơ chế một cửa liên thông. Chính cơ chế một cửa này đã giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện 3 thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường cho DN từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước 2005) xuống còn tối đa 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến nay). Trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký DN là 4 ngày làm việc, trong đó có 18 tỉnh dưới 2 ngày, 15 tỉnh dưới 3 ngày, 16 tỉnh dưới 4 ngày, 8 tỉnh/thành phố dưới 5 ngày và 5 tỉnh/thành phố trên 5 ngày.
Liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC về thành lập DN và công tác quản lý nhà nước về ĐKKD, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Từ năm 2010, Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia đã được thiết lập, góp phần đưa thủ tục ĐKKD và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối cơ quan nhà nước ở nước ta. Việc đưa Hệ thống này vào vận hành đã góp phần thay đổi căn bản quy trình, nghiệp vụ ĐKKD.
Thành công về cải cách ĐKKD đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 nước được đánh giá có cải cách mạnh mẽ nhất về đăng ký thành lập DN trong giai đoạn 2009 - 2010. Đáng chú ý, năm 2011, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng 16 bậc nhờ cải cách này.
Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập, giải thể DN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và nâng cao năng lực
cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài… Ảnh: Tiên Giang
Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về sự hài lòng của DN khi hoạt động tại các tỉnh/thành ghi nhận, cộng đồng DN luôn đánh giá lĩnh vực đăng ký thành lập DN xếp thứ nhất so với các lĩnh vực khác. Chỉ số này luôn tăng từ năm 2006 và đạt số điểm 8,59/10 vào năm 2013.
Đánh giá về kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, chỉ riêng cải cách thủ tục ĐKKD cho thấy tiềm năng cải cách TTHC của chúng ta rất lớn. Thậm chí, có địa phương chỉ mất 1,1 ngày làm việc để thực hiện đăng ký kinh doanh cho DN như: Bắc Giang, Cao Bằng, Kiên Giang, Lào Cai… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương vẫn còn kéo dài trên 5 ngày như: TP.HCM, Bến Tre, Long An… “Dứt khoát phải phê bình các địa phương này” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đồng thuận quan điểm trên, đại diện nhiều Bộ, ngành có mặt tại Buổi làm việc đều khẳng định, việc tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, trong đó có thủ tục gia nhập thị trường cho DN là bước đi đúng hướng, có tính đột phá và khả thi cao để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.
Buộc phải cải thiện môi trường kinh doanh
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác ĐKKD, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, vẫn còn một số hạn chế cả trong quy định pháp lý và tổ chức thực hiện. Đơn cử như trong quy định của pháp luật yêu cầu DN chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN. Do vậy, quy định này đã gây hạn chế về nguyên tắc DN được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, gây phiền hà, tăng thêm rủi ro và chi phí cho DN. Hơn nữa, theo đại diện Bộ KH&ĐT, thủ tục giải thể DN còn phức tạp và chưa rõ ràng, gây cản trở quá trình rút lui khỏi thị trường của DN, nhất là khâu quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để có môi trường đầu tư tốt thì không có cách nào khác là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nhằm giảm chi phí cho DN, giúp DN làm ăn hiệu quả hơn. Với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN yên tâm đầu tư kinh doanh, từ nay đến cuối năm 2014, chúng ta cố gắng giảm thời gian thực hiện bình quân xuống còn 2 ngày làm việc.
“Nếu trong thời gian tới, chúng ta đơn giản hóa được quy trình đó sẽ tiết giảm được thời gian cũng như chi phí cho DN” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất.
Nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, Báo cáo tình hình và phương hướng cải cách TTHC về thành lập, tổ chức lại, giải thể DN và thực hiện hoạt động đầu tư được Bộ KH&ĐT đưa ra tại Buổi làm việc cũng đề xuất một số giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện Luật DN theo định hướng đã được Chính phủ thông qua nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập, giải thể DN; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ĐKKD; đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chắc chắn chúng ta có thể tiếp tục cải cách được thủ tục gia nhập thị trường cho DN. Theo quy trình gia nhập thị trường hiện nay, thủ tục gồm 10 bước, tuy nhiên ở quy trình mới có thể rút ngắn còn 5 bước bằng việc bỏ bước mua hóa đơn thế VAT và nộp thuế môn bài, khắc dấu và đăng ký con dấu… “Cải cách theo hướng này, thủ tục gia nhập thị trường của DN rất đơn giản, thuận lợi” - ông Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Đại diện Bộ Công an cũng bày tỏ sự đồng thuận là thủ tục gia nhập thị trường cho DN cần phải đơn giản, thông thoáng. Kinh nghiệm về việc khắc dấu và đăng ký con dấu trong đăng ký thành lập DN cho thấy, hiện trên thế giới chỉ còn 69 quốc gia sử dụng, trong đó nhiều quốc gia không quy định phải bắt buộc thực hiện. Nguyên tắc chung là tiếp cận với thông lệ quốc tế càng sớm càng tốt.
Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm thống nhất với đề xuất của Bộ KH&ĐT trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) về việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư với đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Hiếu
Người đăng: T.An