Quy định đơn vị tính nhiều loại hàng hóa làm khó DN 

(Chinhphu.vn) – Quy định mặt hàng đá, cát xây dựng, vải, dây cáp điện… phải được tính theo kg trong xuất nhập khẩu (XNK) cần được thay đổi cho phù hợp thực tế và thông lệ trao đổi, buôn bán.

Quy định tính đá xây dựng theo kg làm khó cả doanh nghiệp lẫn hải quan
 
Qua quá trình thực hiện Thông tư 156/2011/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, Hải quan một số địa phương cho rằng quy định về đơn vị tính tại danh mục chưa phù hợp với thực tế và thông lệ trao đổi, buôn bán truyền thống, gây khó khăn cho DN và cả cơ quan Hải quan…
Phản ánh vướng mắc thực tế từ đơn vị, Hải quan Lào Cai cho biết, mặt hàng ống thủy tinh đựng thuốc tiêm là mặt hàng quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành phải có giấy phép NK. Trên giấy phép NK đơn vị tính của mặt hàng là “ống”, hợp đồng mua bán để làm thủ tục NK đơn vị tính là “ống”, nhưng theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam thì đơn vị tính lại là “kg”.
Như vậy, nếu khai báo đơn vị tính theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam không đúng với giấy phép NK, không đúng với tính chất của hàng hóa và việc theo dõi trừ lùi lượng hàng hóa NK của cơ quan Hải quan cũng gặp khó khăn.
Tương tự, một mặt hàng khác là mặt hàng thùng phi (nguyên chiếc) nhập theo loại hình nhập sản xuất XK (để đựng phốt pho vàng XK) là mặt hàng thường xuyên NK qua cửa khẩu Lào Cai, DN đã đăng ký Danh mục nguyên phụ liệu với đơn vị tính là “cái”.

Tuy nhiên, theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam thì đơn vị tính lại là “kg”, vì thế việc khai báo theo đơn vị tính “kg” là không phù hợp với thực tế hàng hóa và khó khăn cho quá trình thanh khoản.
Một mặt hàng nữa cũng vướng mắc về quy định đơn vị tính là mặt hàng vải. Theo Hải quan Lào Cai và Lạng Sơn, mặt hàng vải trong Danh mục quản lý rủi ro về giá cấp Tổng cục tính là “mét”, tuy nhiên đơn vị tính trong Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam lại là “kg”.

Như vậy, việc xác định giá đối với hàng hóa không thực hiện được vì đối với mặt hàng vải thì độ mỏng, dày là khác nhau theo từng chất liệu vải, nếu quy đổi ra “kg” thì không chính xác nên không xác định được trị giá tính thuế.
Cùng vướng mắc tương tự, tại Cục Hải quan Quảng Bình, việc tính đơn vị động vật trâu, bò sống là “con” theo quy định của Thông tư 156/2011/TT-BTC chưa phù hợp với thực tế. Bởi đối với động vật sống như trâu và bò thì trọng lượng mỗi con chênh lệch dẫn đến trị giá khác nhau. Vì vậy, đơn vị tính đối với động vật sống như trâu và bò nên là “kg” sẽ hợp lý hơn- Hải quan Quảng Bình đề xuất.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng cát xây dựng, Hải quan Quảng Bình cho biết, theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam tại Thông tư 156/2011/TT-BTC phân loại mã số 2505.90.00, với đơn vị tính là “kg”. Tuy nhiên, theo tập quán thương mại quốc tế và nội địa, mặt hàng này thường được sử dụng đơn vị tính là “m3”.

Mặt khác, trong lĩnh vực xây dựng, khi sử dụng vật liệu cát cũng được tính bằng m3. Vì vậy hiện nay khi mua bán, XNK mặt hàng này, các DN đều ký kết hợp đồng mua bán theo đơn vị tính là m3. Quy định này đã gây khó khăn cho DN và cơ quan Hải quan trong việc thực hiện thủ tục hải quan.
Tương tự, Hải quan Quảng Bình cho biết, một loạt các mặt hàng cũng gặp vướng mắc về quy định đơn vị tính như: Đá xây dựng, dây cáp điện… quy định là “kg” nhưng thực tế mua bán là “m3” và “m”.
Từ những bất cập trên, để thuận lợi và phù hợp với thực tế trong quá trình áp dụng cho cả cơ quan Hải quan và DN, Hải quan một số địa phương kiến nghị Tổng cục Hải quan nên quy định: Trường hợp DN không thể sử dụng đơn vị tính theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam mà sử dụng đơn vị tính theo thuộc tính hàng hóa và phù hợp với tập quán thương mại quốc tế thì DN được sử dụng đơn vị tính phù hợp, nhưng việc sử dụng phải thống nhất trong toàn bộ hồ sơ hải quan, không ảnh hưởng tới số thuế phải nộp và đảm bảo cơ sở để cơ quan Hải quan kiểm tra khi có yêu cầu.
 
 
 
Theo Báo Hải quan
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An