Chỉ rõ điểm yếu của nhà thầu Việt trong đấu thầu gói thầu xây lắp 

Thực tế hoạt động đấu thầu các gói thầu xây lắp tại Việt Nam cho thấy, nhà thầu trong nước vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu, vì vậy đã không ít phen thua ngay trên sân nhà. Không chỉ các chuyên gia, nhà quản lý mà ngay cả các nhà thầu ngoại đã chỉ rõ những điểm yếu của nhà thầu Việt Nam trong đấu thầu các gói thầu xây lắp.

Thiếu kinh nghiệm thi công các công trình lớn

Theo một chuyên gia lâu năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quá trình chấm hồ sơ dự thầu (HSDT) các gói thầu xây lắp có quy mô lớn và công nghệ phức tạp đã cho thấy, HSDT của các nhà thầu Việt Nam thường có điểm kỹ thuật thấp, đặc biệt là ở các nội dung liên quan đến giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công. Nguyên nhân là do hầu hết các nhà thầu Việt Nam vẫn chưa có kinh nghiệm thi công các công trình có quy mô lớn tương tự. Vì thế mà việc tính toán giá thành của các hạng mục công trình chưa thực sự chính xác, dẫn đến giá dự thầu chưa hợp lý.
 
IMG
Đối với các công trình có quy mô lớn, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công là những yếu tố rất quan trọng Ảnh: Hà Cầm
 
Cũng do chưa có kinh nghiệm đấu thầu và thi công các công trình lớn nên khi tham gia đấu thầu các công trình xây lắp có quy mô lớn, nhiều nhà thầu Việt Nam lại chú trọng đến việc giảm giá dự thầu và coi đó là một biện pháp quan trọng để trúng thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các công trình có quy mô lớn thì giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công lại là nhóm yếu tố quan trọng hơn cả, và trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quyết định đến khả năng thắng thầu của nhà thầu.
 
Khi tham gia các công trình có quy mô lớn, nhà thầu Việt Nam thường đề xuất các biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật thiếu tính khả thi, bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, do đó rất dễ dẫn đến việc thi công bị chậm tiến độ, đặc biệt là việc bố trí nhân sự thi công công trình. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lại là các nhà thầu lớn mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm tham dự đấu thầu lĩnh vực này; đồng thời, các nhà thầu ngoại này lại rất hiểu biết cả về điểm mạnh lẫn điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh (nhà thầu Việt Nam và nhà thầu các nước khác).
 
Nhiều hạn chế trong liên danh, liên kết
Giá thành của mỗi gói thầu xây lắp cơ bản được hình thành và tính toán dựa trên giá của các loại thiết bị và chi phí xây lắp như: nhân công, vật liệu, ca máy. Do đó, mối quan hệ với các nhà cung cấp thiết bị, vật liệu, máy móc đóng vai trò hết sức quan trọng, TS. Nguyễn Thành Hiếu thuộc Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, một nhà thầu xây lắp cần có mối quan hệ chặt chẽ với 3 lại đối tác quan trọng là nhà cung cấp thiết bị, nhà cung cấp tài chính và nhà cung cấp nguyên, vật liệu.       
TS. Nguyễn Thành Hiếu thuộc Đại học Kinh tế quốc dân: Có 2 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thắng thầu của nhà thầu xây lắp là nhóm nhân tố cấu thành năng lực dự thầu của nhà thầu (bao gồm: khả năng về tài chính; máy móc, thiết bị và công nghệ thi công; nhân lực; khả năng liên danh, liên kết; trình độ tổ chức lập HSDT; tổ chức thi công xây dựng) và nhóm nhân tố bên ngoài (bao gồm: năng lực của các đối thủ cạnh tranh; các nhà cung cấp tài chính, vật tư và thiết bị).
Đối với các công trình có quy mô lớn, công nghệ phức tạp thì thường đòi hỏi thiết bị phải đạt chuẩn quốc tế, nên việc nhà thầu có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp, các hãng sản xuất uy tín là hết sức cần thiết. Trong khi các nhà thầu ngoại làm rất tốt điều này thì đây lại là điểm hạn chế của nhiều nhà thầu Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Việt Hùng _ chuyên gia lâu năm về đấu thầu, do không có sẵn các hợp đồng cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu dài hạn với các nhà cung cấp, hãng sản xuất lớn nên khi thị trường xây dựng có biến động về các vùng nguyên liệu, nhà thầu ngoại gặp khó một thì nhà thầu nội gặp khó khăn mười. Hầu hết các nhà thầu Việt Nam trong hoàn cảnh này đều rơi vào tình trạng lúng túng, bị động và gần như là “tay không bắt giặc” vì không có nguyên, vật liệu dự trữ hoặc nguồn nguyên, vật liệu, thiết bị ổn định do bạn hàng cung cấp. 
 
Ông Yang, Donglk _ chuyên gia Hàn Quốc, cố vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chia sẻ, các nhà thầu, doanh nghiệp Hàn Quốc có mối quan hệ rất tốt với các đối tác, bạn hàng của mình, bởi ở Hàn Quốc, đa số các doanh nghiệp đều chuyên môn hóa sản xuất một bộ phận của một loại mặt hàng, chính vì thế mà họ phải phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng hoàn thành một sản phẩm hàng hóa sao cho hiệu quả. Vì vậy, khả năng liên danh, liên kết của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung và các nhà thầu Hàn Quốc nói riêng là hết sức chặt chẽ, có tính tương trợ rất tốt cho nhau.
 
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, phần đông nhà thầu Việt Nam vẫn chưa hình thành tác phong công nghiệp, làm việc chuyên môn hóa, vẫn duy trì cung cách làm việc manh mún, mạnh ai nấy làm, việc liên danh, liên kết nhìn chung mới chỉ dừng ở việc hợp sức theo cấp số cộng, mà chưa thực sự nhuần nhuyễn, chặt chẽ và tương trợ đắc lực cho nhau như trong liên danh của các nhà thầu ngoại.
 
 
 
Bích Thảo
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An