Sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực tạo điều kiện thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, thì việc tham gia đấu thầu các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải cân nhắc, vì theo nhiều ý kiến, sự tham gia của DNNN có thể làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, giảm tính hấp dẫn của dự án PPP đối với các nhà đầu tư tư nhân…

IMG
Nhiều ý kiến cho rằng việc tham gia đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm tính hấp dẫn
của các dự án PPP tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính
 Ảnh: Lê Tiên
Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu là một trong những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định LCNĐT).  
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Dự thảo Nghị định LCNĐT đã làm rõ khái niệm “độc lập về pháp lý” và “độc lập về tài chính” giữa nhà đầu tư và nhà thầu tư vấn lập, thẩm định đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C), báo cáo nghiên cứu khả thi; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư; cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu. Theo đó, nhà đầu tư được coi là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính đối với các đối tượng liên quan nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện: a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; b) Nhà đầu tư tham dự thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau; c) Nhà đầu tư tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C), báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên từ 20% trở lên”.
 
Có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Nghị định sẽ làm hạn chế sự tham gia của các DNNN, đặc biệt đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 30% cổ phần sẽ không được tham gia đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh.
 
IMG
Khi doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư sẽ không còn hạn chế sự tham gia của khối doanh nghiệp này vào các dự án PPP
Ảnh: Nhã Chi
 
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư gồm 10 Chương, 99 Điều, trong đó, quy định rõ về sơ tuyển và kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; quy trình đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP nhóm C; đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư; nội dung thẩm định và phân cấp trách nhiệm thẩm định, phê duyệt trong lựa chọn nhà đầu tư;…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung hiện tại của Dự thảo và cho rằng,  việc tham gia đấu thầu của DNNN không những không đảm bảo cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, mà còn làm giảm tính hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính tham gia đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy áp dụng mô hình đầu tư này. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, khi các DNNN được cổ phần hóa theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc quy định về đảm bảo tính cạnh tranh như trong Dự thảo sẽ không còn là rào cản làm hạn chế sự tham gia của DNNN.
 
Các tổ chức tài chính đa phương (WB, ADB) cũng mạnh mẽ kiến nghị không cho phép các DNNN tham gia đấu thầu dự án PPP vì theo quy định của các tổ chức tài chính này, doanh nghiệp phải không có cổ phần do Nhà nước nắm giữ mới đảm bảo cạnh tranh trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
 
Bộ KH&ĐT cho biết thêm, Hiệp định vay số 2920 - VIE (SF) ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và ADB ngày 17/1/2014 về dự án “Hỗ trợ đối tác công - tư” đã yêu cầu DNNN trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được tham gia đấu thầu dự án PPP. 
 
 
 
Nguyệt Minh
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An