Còn nhiều quy định làm nản lòng nhà đầu tư 
(Chinhphu.vn) – Hàng loạt điểm bất cập, thậm chí vô lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đã được chỉ ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 2/12.
Trước sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, những khuyến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp không dừng lại ở những chính sách mang tính vĩ mô, mà rất cụ thể, đi vào từng quy định.

Ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, các nhóm công tác của Diễn đàn đều đánh giá cao những thành tựu gần đây của Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhưng cho dù thời gian dành cho mỗi phát biểu rất ngắn, tính bằng từng phút, cũng cho thấy Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong một bản tham luận dài 3 phút, không nói được nhiều, một diễn giả đã đưa lên hình ảnh một luật sư ôm hàng chồng hồ sơ đi làm thủ tục cho cơ sở giáo dục được tiếp tục hoạt động...

Hình ảnh luật sư đi làm thủ tục để cơ sở giáo dục được tiếp tục hoạt động,

trong một trình bày tại VBF sáng nay. - Ảnh: VGP Hà Chính


Hình ảnh này đã gây ấn tượng mạnh với những tiếng cười trong khán phòng và sau đó là những tiếng vỗ tay. Đáng tiếc là khoảnh khắc này quá ngắn ngủi và có lẽ không phóng viên nào “chớp” được hình ảnh Thủ tướng xoay người lại nhìn và bật cười. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Thủ tướng trực tiếp gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp.

“Các thành viên AmCham thường xuyên bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đối với các dự án và chính sách quan trọng… Việc thiếu lộ trình rõ ràng làm nhụt chí các nhà đầu tư và tăng khả năng họ phải cân nhắc đến các kế hoạch lựa chọn các nước khác trong khu vực châu Á”, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho hay.
Cũng theo AmCham, bất ổn gây ra bởi sự thiếu minh bạch, tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
"Chúng tôi khẩn thiết mong muốn Chính phủ ban hành một hệ thống biện pháp chính thức để giảm thiểu tối đa các khoản thanh toán không chính thức. Bước tiến rõ rệt nhất sẽ bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt và đẩy mạnh phương thức thanh toán điện tử", Chủ tịch AmCham Gaurav Gupta bày tỏ.
 
Quan ngại lớn nhất: Triển khai thực tế
Những bất cập trong thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, đất đai…, những lĩnh vực đang được Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, được nhắc đến với nhiều ví dụ cụ thể.
Theo ông Trần Anh Đức, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF, trở ngại đầu tiên làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải có giấy chứng nhận đầu tư khi doanh nghiệp Việt Nam bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngòai. Nhóm đề nghị chỉ yêu cầu giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc trong trường hợp nhà đầu tư mua từ 51% cổ phần.
Cùng với đó, việc cơ quan cấp phép đầu tư làm thay cơ quan thuế là một hiện tượng phổ biến. Có trường hợp đăng ký chuyển nhượng cổ phần, cơ quan cấp phép yêu cầu giải trình về việc tuân thủ nghĩa vụ thuế hoặc yêu cầu có văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Trong một số trường hợp, cơ quan cấp phép còn xem xét, đưa ra ý kiến liên quan đến thỏa thuận thanh tóan hoặc mức giá chuyển nhượng vốn theo giá thị trường. Trong khi, các cơ quan cấp phép này không có nhiều kinh nghiệm về thuế và lẽ ra các vấn đề đó nên để các cơ quan thuế xem xét.
“Chúng tôi hiểu rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp qua việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Nhưng, quan ngại lớn nhất vẫn là việc triển khai trên thực tế”, ông Đức thẳng thắn. “Cả một quy trình cấp phép không thể vận hành khi công chức từ chối nhận hồ sơ theo ý chí chủ quan của họ”.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho hay từ cuối năm 2013, Tổng cục Thuế bắt đầu công tác thanh, kiểm tra quy mô lớn về chống chuyển giá. Kết quả là một số doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc đã bị ấn định thuế truy thu và xử phạt mà không có cơ hội giải trình. Lý do là hiện phương pháp tính toán, thẩm tra của cơ quan thuế chưa rõ ràng, cụ thể, khiến doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc cung cấp các giấy tờ và giải trình câu hỏi từ cơ quan thuế.
Bà Hương Vũ, Trưởng nhóm Công tác Thuế cho rằng Thông tư 103 vừa được Bộ Tài chính ban hành hồi tháng 8 vừa qua đã mở quá rộng các đối tượng chịu thuế nhà thầu. Chẳng hạn, cơ quan thuế cũng có quyền đánh thuế nhà thầu khi một doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa cung cấp cho bên mua – một điều kiện thương mại hiển nhiên, bởi giao dịch hàng hóa không thể diễn ra khi người bán không cam kết về chất lượng hàng hóa. Trường hợp này vốn đã chịu thuế xuất nhập khẩu rồi và quy định này làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi cuối cùng thì thuế nhà thầu sẽ được tính vào giá bán hàng hóa.
Đại diện các doanh nghiệp châu Âu tặng Thủ tướng Sách trắng về môi trường đầu tư tại Việt Nam. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Nhà đầu tư “khó có đủ kiên nhẫn”
Có những quy định “tréo ngoe” giữa các Luật dẫn đến tình trạng “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Ông David Lim, Trưởng nhóm Công tác Đất đai cho hay theo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (khi chưa sửa đổi), nhà đầu tư nước ngòai muốn tiến hành phát triển nhà ở thương mại lần đầu tiên hoặc muốn nhận chuyển nhượng dự án thì phải có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Nhưng theo Luật Đầu tư (khi chưa sửa đổi) , nhà đầu tư nước ngòai tiến hành đầu tư lần đầu tiên thì phải có hoặc đã được chuyển nhượng một dự án đầu tư thì mới được giấy chứng nhận đầu tư.
Phát triển nguồn nhân lực, gắn liền với giáo dục – đào tạo, là một trong những nhân tố chủ chốt cho sự phát triển của Việt Nam. Nhưng ngay trong lĩnh vực này cũng tồn tại không ít bất cập về chính sách và thủ tục.
Theo ông Khalid Muhmood, Trưởng nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo, trước đây quy trình thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo chỉ yêu cầu hai loại giấy phép, nhưng Nghị định 73/2012/NĐ-CP lại yêu cầu 3 loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động) với thủ tục pháp lý và hồ sơ xin cấp phép tương tự nhau.
Điều này dẫn đến việc thanh, kiểm tra ba lần bởi cùng 3 cơ quan chức năng khác nhau với cùng một cơ sở giáo dục. Nói cách khác, quy trình phức tạp hơn nhiều so với trước đây và “các nhà đầu tư khó có thể đủ kiên nhẫn để trải qua một quy trình đi ngược lại những gì Quốc hội và Chính phủ đã nói về đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư”.
Phát biểu tại Diễn đàn sau phần trả lời trực tiếp của lãnh đạo các Bộ , ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cám ơn những ý kiến hết sức thiết thực và khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu những góp ý hợp lý để sửa đổi, bổ sung chính sách. “Không chỉ tại những diễn đàn giữa kỳ hay cuối kỳ hàng năm, mà chúng tôi muốn thường xuyên nhận được góp ý của các bạn”, Thủ tướng nói.
 
 
 
Hà Chính
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An