Ngành KH&ĐT: Khởi đầu năm 2015 với nhiều nhiệm vụ lớn 
(Baodautu.vn) Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (31/12/1945-31/12/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III ngành kế hoạch và đầu tư (2010-2015), bắt đầu từ số báo này, Báo Đầu tư mở chuyên giới thiệu về lịch sử phát triển cùng những đóng góp của ngành trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 nên với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) càng trở nên nặng nề hơn.
Ngành KH&ĐT: Khởi đầu năm 2015 với nhiều nhiệm vụ lớn

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư càng trở nên nặng nề hơn
trong năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015)

Nhiệm vụ đã chính thức được giao cho Bộ KH&ĐT trong tuần trước, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Vẫn những giải pháp không mấy khác các năm trước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, như thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu…, song dường như, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT nặng nề hơn.
Lý do dễ hiểu, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, nên việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn tới việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch của cả giai đoạn 5 năm.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, năm 2014 đã kết thúc tốt đẹp với lần đầu tiên kể từ năm 2011, nền kinh tế đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, khi tăng trưởng GDP ước đạt 5,98%, còn lạm phát dừng ở mức 1,84%. Mục tiêu trong năm 2015, đó là tăng trưởng GDP 6,2%, còn lạm phát là 5%. Tuy mục tiêu này là khả khi, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn, thách thức ở phía trước còn lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng bởi vậy, nhiệm vụ không phải chỉ được Chính phủ giao cho riêng Bộ KH&ĐT, mà là tất cả các bộ, ngành, địa phương, song với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là không hề nhỏ.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp, việc làm sao huy động mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực này vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng. Vì thế, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là ngay sau khi Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành, phải hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
“Phải tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả”, Chính phủ chỉ đạo và yêu cầu Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Thực tế cho thấy, kể từ khi Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, hiệu quả vốn đầu tư công đã được nâng lên một bậc, hạn chế đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí. Năm 2014, Luật Đầu tư công sau 7 năm chuẩn bị cũng đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, tạo một bước tiến lớn trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công, góp phần quan trọng tái cơ cấu đầu tư công cũng như mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế.
Chính vì tính chất quan trọng như vậy, nên trong nhiệm vụ năm 2015, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT phải tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư công, đặc biệt là các quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ khác được Chính phủ chỉ đạo, đó là Bộ KH&ĐT phải rà soát tình hình và tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)… Vốn là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh hiện nay để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2014, có thể nói là một năm thành công của Bộ KH&ĐT, khi không chỉ chủ trì soạn thảo thành công Luật Đầu tư công, mà còn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, hai đạo luật gốc có ý nghĩa quan trọng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, qua đó thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Một trong những điểm mới quan trọng của các luật này đó là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc người dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm.
Tuy tới ngày 1/7/2015, hai luật này mới chính thức có hiệu lực, song làm sao để thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT.
Trong bối cảnh hiện nay, “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh sẽ tạo động lực cho nền kinh tế về đích kế hoạch năm 2015.
 
 
Người đăng: T.An