Tăng cường quản lý đầu tư để xử lý triệt để nợ đọng xây dựng cơ bản 

Những sai phạm, bất cập trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu chính phủ (TPCP) thời gian vừa qua đã và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Từ thực trạng đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc tăng cường quản lý và xử lý nợ đọng trong đầu tư từ nguồn vốn NSNN, TPCP là cần thiết để xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong hoạt động này.

IMG
Việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ đã đóng góp quan trọng vào việc đầu tư kết cấu hạ tầng
 Ảnh: Lê Tiên
 
Từ thực trạng đầu tư xây dựng tràn lan

 

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, việc huy động và sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do phân cấp quá rộng, lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn NSNN và vốn TPCP. Hệ lụy là thời gian thi công dự án bị kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, phát sinh nợ đọng XDCB, trong khi vốn NSNN hạn hẹp, vốn TPCP không thể phát hành tăng thêm nhiều. 
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức rõ và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn cho dự án đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán quyết toán các dự án. 
Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế nợ đọng XDCB, Thanh tra Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần lựa chọn danh mục dự án, dự kiến phân bổ vốn ngân sách trung ương, bổ sung có mục tiêu để bố trí kế hoạch đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư; bố trí vốn tập trung hơn cho các dự án đã hoàn thành, các dự án quan trọng, cấp bách; hạn chế khởi công mới các dự án chưa thật sự cần thiết. Cùng với đó, công tác rà soát, thẩm định dự án, trong đó có thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn cũng cần được chú trọng hơn, chỉ triển khai thực hiện các dự án khi có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
 
Phải hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2015
Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai xử lý nợ đọng XDCB và yêu cầu phải hoàn thành hết công việc này trong năm 2015.
Cụ thể, liên quan đến việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều chỉ thị để chấn chỉnh công tác này nhằm khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng XDCB. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từng cấp, từng cơ quan phải có trách nhiệm cụ thể trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB; các địa phương phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB, xác định nguyên nhân và có kế hoạch, lộ trình đến hết năm 2015 phải hoàn thành xử lý tình trạng nợ đọng XDCB.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, không yêu cầu doanh nghiệp/nhà thầu ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng XDCB; chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn, đối với những gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng phải tổ chức nghiệm thu thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu; lập, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo tiến độ, kế hoạch vốn được phân bổ theo đúng quy định, không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí vốn cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.
Thanh tra Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và phân bổ, sử dụng nguồn vốn NSNN, TPCP. Trong đó, cần tập trung kiểm tra việc phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nợ vốn đầu tư XDCB, đặc biệt là các dự án có mức độ thay đổi tổng mức đầu tư lớn; tổ chức việc công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật; đề xuất với Chính phủ các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN, TPCP.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, nhờ quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn NSNN, TPCP mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bước đầu cả nước đã khắc phục được tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát vốn NSNN, hạn chế đáng kể tình trạng nợ đọng XDCB.
 
 
 
 Bích Thảo
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An