Lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020: Phải chắt chiu từng đồng vốn 

Sẽ có 5 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công. Hiện tại, một số nghị định đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo. Riêng dự thảo Nghị định về đầu tư công trung hạn đang được khẩn trương hoàn thiện để có thể trình Chính phủ vào tháng 3/2015.

IMG
Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, trừ những dự án chuyển tiếp, mỗi địa phương sẽ được xem xét trình
từ 1 đến 3 dự án quy mô lớn, có tác động liên vùng và có tínhh hiệu quả cao
Ảnh: Lê Tiên
Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015, với các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương. Điểm mới và quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là chuyển từ kế hoạch đầu tư công ngắn hạn hàng năm sang Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. 
 
Theo Bộ KH&ĐT, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ tạo điều kiện cho các cấp, ngành chủ động hơn trong việc bố trí, lồng ghép, huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cách khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không cân đối được nguồn vốn, vừa thi công vừa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đồng thời tạo sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.
 
Điểm mới quan trọng trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn là giao cho các cấp, các ngành chủ động phân bổ vốn đầu tư công. Trung ương chỉ rà soát, điều chỉnh các sai sót trong phương án phân bổ vốn của các Bộ, ngành, địa phương. Quy định này sẽ bảo đảm việc phân bổ vốn sát với thực tế so với yêu cầu và định hướng phát triển của các ngành, các địa phương. 
 
Dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng và triển khai Luật Đầu tư công, với kỳ vọng Luật sẽ ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, theo quy trình, hiện Bộ KH&ĐT đang làm bước 1 của lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đó là thống kê các nhu cầu, báo cáo về tổng nguồn vốn đầu tư (kể cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ODA) dành cho 5 năm tới. Để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, trong 5 năm tới, việc phân bổ các nguồn vốn sẽ phải tuân theo trình tự của 5 ưu tiên sau: Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án PPP. Thứ hai, vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA. Thứ ba, trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn kể cả vốn Trung ương và địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản). Thứ tư, vốn cho những công trình chuyển tiếp, dang dở. Thứ năm, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.
 
IMG
Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của từng địa phương
 Ảnh: LTT
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, lần đầu thực hiện lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Các địa phương sẽ lúng túng không biết xây dựng kế hoạch cho 5 năm thế nào, làm những dự án gì, và đâu là căn cứ để lập Kế hoạch? Hướng dẫn cho công tác mới này, Bộ trưởng cho rằng, xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trước hết phải căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của chính địa phương đó. Bộ trưởng lưu ý, trong việc lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, trừ những dự án chuyển tiếp, mỗi địa phương sẽ được xem xét trình từ 1- 3 dự án quy mô lớn, có tác động liên vùng và có tínhh hiệu quả cao, có thể có địa phương sẽ không có dự án nào.
 
“Mỗi đồng vốn của Nhà nước phải được chắt chiu, trăn trở để sử dụng, làm chậm nhưng làm chắc, không được phép làm ẩu theo kiểu cứ có tiền thì vung ra, đầu tư kém hiệu quả” _ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
 
Cùng với lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn, thẩm định nguồn vốn và cân đối nguồn vốn đầu tư cũng là một nội dung quan trọng của Luật Đầu tư công. Các quy định liên quan đến nội dung này được đánh giá là “đổi mới trọng tâm”, góp phần chấm dứt tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư công. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đánh giá, vốn là yếu tố quyết định trong đầu tư, vì vậy, Luật Đầu tư công coi công tác thẩm định nguồn vốn và cân đối nguồn vốn là một trong những nội dung quan trọng trong công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. “Thực hiện nghiêm các chế định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ bảo đảm bố trí vốn tập trung cho các dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục được tình trạng các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công” _ Thứ trưởng Đào Quang Thu khẳng định.
 
 
 
Quang Minh
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An