Thay đổi tư duy về quản lý và xây dựng kế hoạch đầu tư công 

Hôm qua, ngày 26/1, Hội nghị phổ biến hướng dẫn Luật Đầu tư công và lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam đã được tổ chức tại TP.HCM. Theo dự kiến, đầu tuần sau, một hội nghị tương tự sẽ được tổ chức tại Hà Nội dành cho các địa phương phía Bắc.

IMG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì Hội nghị toàn thể của Bộ về Luật Đầu tư công 
Ảnh: Đức Trung
 
Trước khi Hội nghị này diễn ra, cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức một hội nghị toàn thể  của Bộ để thảo luận về các nội dung chính yếu của Luật Đầu tư công và việc triển khai thực hiện tại các đơn vị của Bộ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trực tiếp chủ trì thảo luận.
 
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Đầu tư công là vấn đề lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Cụ thể đó là những thay đổi trong quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án nhóm A, B, C; phân cấp, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công. Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, đây là điểm mới và là một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Đầu tư công. Việc pháp luật hóa chủ trương đầu tư sẽ góp phần khắc phục tình trạng tùy tiện, đơn giản và ngăn chặn ngay từ đầu những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. 
 
Bà Nguyễn Thị Phú Hà cũng cho biết, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được quy định trong Luật Đầu tư công cũng là một trong những điểm đổi mới quan trọng. Thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, vượt quá khả năng cân đối các nguồn vốn, bảo đảm bố trí vốn tập trung, sớm đưa công trình vào sử dụng hiệu quả.
 
Với những thay đổi trong lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công, bà Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, đối với dự án nhóm A sẽ đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không phân biệt nguồn vốn đầu tư của Trung ương hay địa phương. Thứ hai, về phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, theo quy định của Luật Đầu tư công, tất cả các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đều do Bộ KH&ĐT chủ trì thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, bao gồm các dự án do các Bộ, ngành quản lý (theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg thì do Bộ, ngành tự thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn), các dự án do địa phương quản lý sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu ngân sách trung ương. Vì sự thay đổi này nên khối lượng công việc của  Bộ KH&ĐT sắp tới sẽ rất lớn.
 
Đánh giá tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn trao đổi: “Đây là phần việc phức tạp. Nếu không nghiên cứu và hiểu sâu, hiểu cặn kẽ, việc thực thi Luật Đầu tư công sẽ rất khó, nhất là những quy định mới để trả lại trật tự và tính kỷ luật trong hoạt động đầu tư công, vì sẽ đụng chạm tới nhiều Bộ, ngành, địa phương”.
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, những cái khó khi thực hiện Luật Đầu tư công là cần những thay đổi rất lớn trong tư duy về quản lý và xây dựng kế hoạch đầu tư công, từ việc lập, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án công; việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chuyển từ kế hoạch đầu tư công ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.
 
IMG
Luật Đầu tư công giao Bộ KH&ĐT chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án, chương trình sử dụng vốn ngân sách trung ương
Ảnh: Đức Trung
 
 “Không thể để tình trạng cứ làm dự án kiểu đặt chỗ như những năm trước. Đây là nền tảng cho sự bài bản, minh bạch cho kỳ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn tiếp theo”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
 
Theo dự kiến, Bộ KH&ĐT sẽ căn cứ vào số liệu tổng hợp về nguồn vốn đầu tư công của các ngành, địa phương đã được giao trong 5 năm qua (2011 -2015) đối với tất cả các nguồn vốn (ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA - gồm cả nguồn vốn đối ứng trong nước, vốn dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…) để làm cơ sở thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án, chương trình sử dụng vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 mà Luật  Đầu tư công đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì thẩm định, bao gồm cả các dự án do các Bộ, ngành, địa phương quản lý.
 
Bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, với nguyên tắc này, các Bộ, ngành, địa phương trước khi gửi Bộ KH&ĐT sẽ phải tổ chức thẩm định sơ bộ nguồn vốn và khả năng cân đối với các chương trình, dự án được giao quản lý. Bộ KH&ĐT khi thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn sẽ phải trả lời có bố trí nguồn vốn hay không, thay vì cách trả lời lâu nay là nhất trí về nguyên tắc và sẽ xem xét bố trí.
 
 
 
H.V
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An