Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải thực chất hơn 
Việt Nam đã và đang nỗ lực rất lớn để cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), song hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN còn chưa được như mong đợi, tỷ trọng cổ phần hóa có đơn vị chỉ đạt khoảng 5%... Do đó, tới đây quá trình này cần phải đi vào thực chất hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này.
IMG
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã không ngừng thực hiện cải cách DNNN.
Từ 12.000 DNNN vào thập kỷ 90, giờ đây con số chỉ còn lại là 800 DNNN. Tất cả là nhờ quá trình cổ phần hóa DNNN”.
Tuy nhiên, “Hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn còn chưa được như mong đợi. Chúng ta vẫn không thấy có nhiều thay đổi, cách vận hành, quản trị DNNN cổ phần hóa vẫn giữ nguyên như cũ”.
Ảnh: Thanh Sơn
 
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh tại Hội thảo “Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế - Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo do Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Việt Nam tổ chức hôm qua (4/3), tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, trong khoảng 10 tháng qua, hợp tác với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, hai bên tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề, trong đó có 3 nội dung chính. Thứ nhất là hợp tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế cũng như đặc thù của Việt Nam trong cải cách DNNN. Thứ hai là hợp tác nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng khung khổ pháp lý, triển khai xây dựng thí điểm mẫu mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nhằm tạo nguồn lực, sân chơi cho khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Thứ ba là hợp tác nâng cao, cải thiện chất lượng thu hút FDI vào Việt Nam theo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế Việt Nam.
Xác định cải cách là khó khăn
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho biết, nghiên cứu sự đóng góp của DNNN vào nền kinh tế tại 6 quốc gia (Anh, Nhật Bản, Brazil, Mehico, Ba Lan và Hungary) của Văn phòng cho thấy, sự đóng góp của DNNN vào nền kinh tế của 6 quốc gia này là rất khác nhau dựa trên lịch sử kinh tế của từng nước. Việc quyết định vai trò thích hợp cho các DNNN tại các quốc gia này đang là một nỗ lực được tiếp tục trong nền kinh tế mới.
Đánh giá về hoạt động cải cách DNNN của Việt Nam thời gian qua, phát biểu tại Hội thảo, ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình đổi mới và cải cách DNNN. Đây là một phần quan trọng để tạo ra sự phát triển thịnh vượng trong tương lai. Với kinh nghiệm 10 năm giữ cương vị Thủ tướng Anh, ông Tony Blair nhận định: “Mọi cải cách, thay đổi đều khó khăn, bởi luôn có những người không thích sự thay đổi đó”. Tuy nhiên, ông Tony Blair cũng vui mừng bày tỏ: “Kinh nghiệm của Anh cho thấy, sau khoảng 30 năm cải cách DNNN đã đem lại sức mạnh cho nền kinh tế Anh, giúp nước Anh thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Cải cách DNNN là vấn đề được cả xã hội và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã không ngừng thực hiện cải cách DNNN. Từ 12.000 DNNN vào thập kỷ 90, giờ đây con số chỉ còn lại là 800 DNNN. Tất cả là nhờ quá trình cổ phần hóa DNNN”. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng quan ngại: “Hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn còn chưa được như mong đợi. Hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa, tỷ trọng cổ phần hóa trong các DNNN tại các Tập đoàn kinh tế lớn có nơi chỉ đạt 5%... Chúng ta vẫn không thấy có nhiều thay đổi, cách vận hành, quản trị DNNN cổ phần hóa vẫn giữ nguyên như cũ”.
Xác định rõ mục tiêu và lộ trình cải cách
Nhấn mạnh vai trò cần phải cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Đổi mới hay cải cách để nâng cao hoạt động của khối DNNN là chắc chắn”.
Về vấn đề này, ông Tony Blair chia sẻ: “Bất kỳ cải cách nào cũng gặp phản đối như với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, cải cách trong giáo dục, y tế… Điều quan trọng là chúng ta phải vượt qua thách thức này bằng cách nỗ lực thực hiện với việc lựa chọn dự án thí điểm điển hình, thiết thực để có kết quả tốt nhằm phát triển và nhân rộng”.
IMG
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair: “Kinh nghiệm của Anh cho thấy, sau khoảng 30 năm cải cách DNNN đã đem lại sức mạnh cho nền kinh tế Anh,
giúp nước Anh thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”
Ảnh: Huấn Anh
Nghiên cứu của Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair về sự đóng góp của DNNN vào nền kinh tế 6 quốc gia nêu trên cũng cho thấy, cho dù điểm xuất phát khác nhau nhưng tất cả các quốc gia này đều trải qua quá trình tư nhân hóa kể từ những năm 1980, chủ yếu vì các quốc gia này đều nhận ra rằng hoạt động thiếu hiệu quả của khu vực DNNN gây thiệt hại cho nền kinh tế trong nước và cố gắng nỗ lực giảm thiểu các khoản nợ lớn. 
Ông Tony Blair phân tích: “Vai trò của DNNN trong nhiều nền kinh tế đã có sự thay đổi. Những năm 40, 50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên DNNN nắm quyền chi phối. Vào lúc đó, người ta nghĩ rằng đó là cách để nền kinh tế phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian, hiệu quả của mô hình này cần được nhìn nhận lại và cải cách là quan trọng”.
Do vậy, từ kinh nghiệm của 6 quốc gia được nghiên cứu, Văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu của Nhà nước và lộ trình vững vàng để thực hiện công cuộc cải cách. Lộ trình này phải bao gồm các khía cạnh của cải cách DNNN. Lộ trình cũng phải phân rõ trách nhiệm thực hiện, cùng khung thời gian và các sự kiện quan trọng”.
Mặt khác, ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán tham gia các Hiệp định Thương mại tự do mới. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội lớn nhờ việc nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có các DNNN.

 

Trung Hiếu

Nguồn: muasamcong.vn

Người đăng: T.An