Áp dụng thủ tục rút gọn đối với dự án PPP nhóm C 
Với việc mở rộng lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, sẽ có rất nhiều dự án quy mô nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, có khả năng thu hút tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức này. Để đơn giản về thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện đối với dự án quy mô nhỏ, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định PPP) đã có quy định riêng về trình tự thủ tục thực hiện dự án PPP nhóm C theo hướng rút gọn hơn.

IMG
Xây dựng khung chính sách để điều chỉnh các dự án PPP có quy mô nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn
là rất cần thiết để tạo ra sân chơi minh bạch, công bằng, thu hút đầu tư tư nhân

Hiện nay, có rất nhiều dự án có quy mô nhỏ, phạm vi hẹp có tiềm năng thực hiện theo mô hình PPP như các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đối với các dự án này, mô hình PPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư tư nhân trong điều kiện ngân sách đầu tư cho nông nghiệp còn khiêm tốn, trong khi các nguồn hỗ trợ và thu hút đầu tư từ nước ngoài còn khó khăn. 
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc tư nhân tham gia vào các dự án nhỏ trong nông nghiệp đã thực hiện từ khá lâu, có thể kể đến như: các dự án nước sạch nông thôn, công trình thủy lợi, dịch vụ liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… 
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, khi thực hiện các dự án này, sự tham gia của các bên còn hạn chế, chủ yếu mới thông qua lực lượng khuyến nông, chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng một hợp đồng dự án. Trình tự thủ tục thực hiện dự án tương đối đơn giản, đôi khi buông lỏng, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong nhiều trường hợp vẫn ở vị trí người trực tiếp cung cấp dịch vụ công. 
Vì thế, việc xây dựng khung chính sách để điều chỉnh các dự án PPP có quy mô nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng và các dự án PPP có quy mô nhỏ nói chung (bao gồm các dự án nhóm C theo quy định của pháp luật đầu tư công) là rất cần thiết, để vừa tạo ra sân chơi minh bạch, công bằng, thu hút đầu tư tư nhân, vừa đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước trong các dự án này. 
 
IMG
Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các dự án PPP quy mô nhỏ phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư và điều kiện quản lý đặc thù của một số bộ, ngành
Ảnh: Lê Tiên
 
Tuy nhiên, nếu áp dụng trình tự thủ tục cho các dự án PPP quy mô nhỏ theo đúng trình tự thông thường đối với dự án PPP (Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án; Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án; Triển khai thực hiện dự án; Quyết toán và chuyển giao công trình) thì sẽ gây khó khăn, kéo dài thời gian, tăng thêm chi phí cho các dự án này.
Vì thế, Nghị định PPP quy định riêng thủ tục rút gọn đối với các dự án PPP nhóm C. Theo đó, các dự án này thực hiện theo thủ tục: Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án; Triển khai thực hiện dự án; Quyết toán và chuyển giao công trình.  
Như vậy, dự án PPP nhóm C không phải thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; ký kết thỏa thuận đầu tư; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, mặc dù dự án PPP nhóm C không phải thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng để có cơ sở lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng thì trong đề xuất dự án phải có thiết kế cơ sở và phương án tài chính. 
Trong khung pháp lý cũ về PPP (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg), để thực hiện dự án PPP bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh rằng, quy định bắt buộc nhà đầu tư phải thành lập mới doanh nghiệp dự án là cứng nhắc và không phù hợp. Thực tế cho thấy, đối với dự án có quy mô nhỏ/dự án PPP nhóm C, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư thuận lợi, thời gian hoàn thành bàn giao công trình ngắn thì việc thành lập doanh nghiệp dự án là không cần thiết, gây tốn kém cho nhà đầu tư. Vì vậy, Nghị định PPP đã có quy định linh động về vấn đề này, theo đó, căn cứ vào tính chất, quy mô của dự án, nhà đầu tư thực hiện dự án PPP nhóm C quyết định việc thành lập doanh nghiệp dự án hoặc trực tiếp thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư trực tiếp thực hiện dự án mà không thành lập doanh nghiệp dự án, để đảm bảo trách nhiệm trong quá trình thực hiện quản lý, vận hành dự án, đồng thời đảm bảo công tác hạch toán của dự án được minh bạch thì nhà đầu tư phải phải tổ chức quản lý và hạch toán độc lập nguồn vốn đầu tư và các hoạt động của dự án.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các dự án PPP quy mô nhỏ phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư và điều kiện quản lý đặc thù của một số bộ, ngành. Trình tự thủ tục như quy định tại Nghị định PPP tạo được khung pháp lý điều chỉnh các dự án PPP có quy mô nhỏ trên cơ sở hợp đồng dự án. Mọi hoạt động của dự án được đảm bảo thực hiện theo các nội dung của hợp đồng dự án, có sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, vai trò của Nhà nước được dịch chuyển dần từ người trực tiếp cung cấp dịch vụ công sang xây dựng khung chính sách, hỗ trợ, điều phối và giám sát thực hiện.
 
 
 
Nguyệt Minh - Thu Hà
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An