Cần khắc phục nhiều nhược điểm trong đánh giá đầu tư công 

“Xây dựng hệ thống đánh giá đầu tư công (ĐTC) khách quan sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách loại bỏ được những chương trình, dự án ĐTC kém chất lượng ngay từ đầu chu trình chương trình ĐTC”. Đây là khuyến nghị của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại một nghiên cứu của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả”.

Những hạn chế trong quản lý đầu tư công tại Việt Nam
Kết quả khảo sát của Dự án tại một số tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã cho thấy nhiều nhược điểm trong công tác đánh giá ĐTC tại Việt Nam. Theo đó, việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước được quy định dàn trải trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong các văn bản này, theo dõi và đánh giá ĐTC được hiểu là “hoạt động theo dõi, kiểm tra và đánh giá mức độ đạt được của quá trình đầu tư so với yêu cầu và mục tiêu đầu tư”; theo dõi và đánh giá đầu tư bao gồm “theo dõi, đánh giá dự án đầu tư và giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư”. Theo dõi đầu tư là “hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình đầu tư của dự án theo các quy định về quản lý đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của dự án”.
IMG
Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công dựa trên
kết quả để đo lường kết quả đạt được của các chương trình/dự án đầu tư công
 Ảnh: Tiên Giang
Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn của ADB Ramesh Adhikari, việc theo dõi các chương trình/dự án ĐTC của Việt Nam hiện chỉ tập trung vào theo dõi tiến độ hoàn thành khối lượng công việc và tài chính mà chưa chú trọng đến quá trình tạo ra kết quả trực tiếp và tác động của dự án; chưa có quy định pháp lý nào yêu cầu phải theo dõi kết quả dự án và gắn những kết quả đó với mục tiêu phát triển của ngành/lĩnh vực/địa phương và của cả nước.
 
Bên cạnh đó, hệ thống thẩm định đầu tư hiện nay chưa được tiến hành theo quy trình chặt chẽ. Công tác thẩm định ở cả cấp trung ương và địa phương mới chỉ chú trọng vào việc chương trình/dự án phải chấp hành pháp luật và nghị định, chỉ thị của Chính phủ, rất ít quan tâm đến việc rà soát tính khả thi, định hướng theo kết quả, rủi ro cũng như cách thức tổ chức thực hiện. 
 
Xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá đầu tư công
Theo ADB, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả để đo lường kết quả đạt được của các chương trình/dự án ĐTC và gắn kết chúng với quá trình lập ngân sách của chính phủ. Các tiêu chí phổ biến nhất gồm: tính phù hợp, tính hiệu quả, tính hiệu lực/hiệu suất và tính bền vững; và tần suất các nhà quản lý và hoạch định chính sách thực hiện việc đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá có thể khác nhau ở mỗi quốc gia.
 
Cụ thể, tính phù hợp nhằm đánh giá sự hợp lý của chương trình/dự án tại thời điểm thiết kế và thời điểm tiến hành đánh giá; tính hiệu quả quan tâm đến nguồn lực của chương trình/dự án ĐTC đã được chuyển hóa một cách tiết kiệm đến đâu để trở thành kết quả; tính hiệu suất đánh giá mức độ đạt hoặc có khả năng đạt được các mục tiêu và kết quả mong muốn; trong khi đó, tính bền vững xem xét những rủi ro cho việc duy trì liên tục các đầu ra và kết quả của chương trình/dự án ĐTC để đạt đến những tác động phát triển dài hạn. 
IMG
Các tiêu chí theo dõi và đánh giá đầu tư công phổ biến nhất là: tính phù hợp, tính hiệu quả, tính hiệu lực/hiệu suất và tính bền vững...
 Ảnh: TN
Như vậy, 4 lĩnh vực chính cần được củng cố trong quá trình theo dõi và đánh giá các chương trình/dự án ĐTC tại Việt Nam gồm: nâng cao chất lượng chương trình/dự án ĐTC bằng việc chuẩn bị và đánh giá kỹ lưỡng hơn đề xuất chủ trương đầu tư; có kế hoạch đầu tư và thẩm định khách quan dự án chi tiết trước khi phê duyệt; đẩy mạnh tiến độ và khả năng đạt được các kết quả phát triển trực tiếp thông qua áp dụng hệ thống theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả; và đánh giá kết quả ĐTC tại thời điểm giữa kỳ, kết thúc và trong quá trình vận hành chương trình/dự án.
 
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận định, đây là những nhận thức mới và rất hữu ích về ĐTC khi triển khai ở các địa phương. Nó như là việc “tái cơ cấu” chức năng, nhiệm vụ quản lý đầu tư trong bối cảnh thực hiện Luật Đầu tư công, quy định về đầu tư công trung hạn. Chúng ta cũng có thể từng bước đưa vào sử dụng ngay những tiêu chí theo dõi và đánh giá phù hợp, đồng thời áp dụng một số nội dung: sửa đổi nội dung giám sát đầu tư, khung giám sát; trình UBND Tỉnh áp dụng ngay sổ tay vào các địa phương; xây dựng quy định về theo dõi, giám sát đầu tư công…
 
Những kết quả của dự án “Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả” giai đoạn 2011 - 2015 mới chỉ giới hạn ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, An Giang, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ sớm giới thiệu với nhiều tỉnh, thành chưa tham gia Dự án nhằm giúp công tác thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định dự án có cơ sở khách quan, khoa học hơn. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đánh giá: “Các sản phẩm của Dự án là một đóng góp quan trọng cho công cuộc đổi mới công  tác theo dõi, đánh giá và quản lý ĐTC ở Việt Nam. Bộ KH&ĐT cam kết sẽ nghiên cứu và từng bước đưa các sản phẩm của Dự án vào quá trình hoạch định chính sách của Bộ”.
 
 
 
Trần Tuyết
Nguồn: muasamcong.vn