Doanh nghiệp vẫn “kêu” về những chi phí không chính thức 

Sau nhiều năm có xu hướng giảm, sang năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) dân doanh cho biết phải trả thêm các chi phí không chính thức để được thuận lợi trong sản xuất kinh doanh tăng đến mức báo động. Ngoài ra, khoảng 17% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khảo sát cho biết họ đã phải trả chi phí không chính thức để có được Giấy chứng nhận đầu tư…

IMG
Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến
 Ảnh: Lê Tiên
Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 cho thấy, cả 3 tiêu chí (chi phí không chính thức, tính năng động, tiếp cận đất đai) của Việt Nam đều có sự sụt giảm. Năm 2008, 66% DN tham gia điều tra cho biết phải trả thêm các chi phí không chính thức, tỷ lệ này có xu hướng giảm trong các năm sau. Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ này đã quay trở lại 66%. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến (từ 41% năm 2013 lên mức 66% năm 2014). Kết quả điều tra PCI ở những DN FDI tại Việt Nam về những chi phí không chính thức cũng được đánh giá vẫn ở mức cao (khoảng 60%). 
 
Riêng trong hoạt động đấu thầu, mặc dù chi phí “hoa hồng” của DN dân doanh khi tham gia các dự án với các cơ quan nhà nước đã bắt đầu chững lại nhưng vẫn còn ở mức cao (55% năm 2014 so với mức 56% năm 2013). Liên quan đến vấn đề này, đại diện Nhóm nghiên cứu PCI 2014 cho biết, theo một kết quả khảo sát tín nhiệm quốc tế, xếp hạng của Việt Nam không mấy tích cực. Khoảng 17% DN FDI thừa nhận rằng họ đã phải trả những chi phí không chính thức để có được Giấy chứng nhận đầu tư và 31% trả “hoa hồng” khi cạnh tranh để giành hợp đồng của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, PCI 2014 cũng cho thấy, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở các khoản bôi trơn trực tiếp, mà còn gồm cả chi phí bị mất đi khi các nhà thầu không có đủ năng lực được lựa chọn thay vì những nhà thầu có năng lực nhưng không hối lộ.
IMG
Bình Dương được nhà đầu tư ghi nhận có tần suất bị yêu cầu chi trả chi phí không chính thức thấp hơn các địa phương khác 
 Ảnh: M. Tuấn
Một câu hỏi đáng chú ý trong bản điều tra PCI 2014 là DN có gặp bất lợi trong quá trình đấu thầu nếu họ từ chối chi tiền hoa hồng hay không? Đáng ngạc nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 89% DN trả lời rằng họ ít nhiều gặp bất lợi với tần suất khác nhau (29% luôn luôn, 32% thường xuyên, 28% DN nói thỉnh thoảng). “Kết quả này cho thấy, văn hóa chi trả “hoa hồng” trong việc ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn tới chi phí cao hơn, song chất lượng có thể lại rất kém” – một đại diện Nhóm nghiên cứu cho hay.
 
Theo kết quả điều tra, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương có môi trường tham nhũng thấp, được nhà đầu tư ghi nhận có tần suất bị yêu cầu chi trả chi phí không chính thức và quy mô chi phí này thấp hơn các địa phương khác. Cụ thể là, 50% DN ở Bình Dương cho biết họ gặp bất lợi nếu từ chối chi khoản không chính thức, thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 89%. Còn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, TP. Hà Nội được đánh giá là địa phương có mức chi phí không chính thức thấp, tuy nhiên lại là địa phương được đánh giá có tần suất tham nhũng trong hoạt động đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước khá cao...
 
 
 
T.Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An